Công nghiệp hỗ trợ chuyển đổi số, tại sao không?

24/08/2021 07:49

Để sớm đạt được những mục tiêu trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết chuyển đổi số đã đề ra, Hải Dương cần ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ, nhất là các Startup.

Cộng đồng doanh nghiệp cả nước nói chung và Hải Dương nói riêng có lẽ không còn xa lạ với khái niệm “công nghiệp hỗ trợ”. Đây là các ngành sản xuất đầu vào như linh kiện, phụ liệu, phụ tùng, bao bì, sản phẩm trung gian, nguyên liệu sơ chế… Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thường được sản xuất với quy mô nhỏ, thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cần hiểu rằng tuy chuyển đổi số không phải một ngành công nghiệp mà là mục tiêu, quá trình nhưng đằng sau đó lại là ngành công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) rộng lớn. Do đó, công nghiệp hỗ trợ chuyển đổi số cũng có nghĩa là công nghiệp hỗ trợ cho ngành ICT.

Sản phẩm của ngành ICT là các thiết bị công nghệ như máy vi tính, điện thoại thông minh hay những phần mềm, ứng dụng... Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao và ICT có thể tạm chia thành mảng phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng và mảng xây dựng, phát triển giải pháp, phần mềm. Tại Hải Dương, lĩnh vực này còn quá mới mẻ, nhất là trong cung ứng các giải pháp, nội dung số. Phần vì thiếu dự án, nguồn nhân lực, phần vì nhu cầu thị trường thường hướng đến những doanh nghiệp ở các thành phố lớn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới xu hướng lựa chọn ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp ngay khi thành lập.

Nếu lĩnh vực sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng cho ngành công nghệ cao, doanh nghiệp nội thường lép vế so với các doanh nghiệp FDI thì nghiên cứu phát triển giải pháp, phần mềm vẫn có “đất diễn”. Từ khi chiến lược “Make in Vietnam” được hình thành, đến nay đã ghi nhận hàng loạt các ứng dụng, giải pháp hoàn toàn do người Việt xây dựng, như vnEdu, ViettelStudy, Bizfly Cloud, FPT.AI… Đặc biệt, ứng dụng được sử dụng nhiều nhất thời gian qua là Bluezone. Những ứng dụng này đã góp phần không nhỏ trong việc giúp các ngành, địa phương đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, phần lớn các ứng dụng, giải pháp công nghệ này đều đến từ các “ông lớn” như Viettel, FPT. Điều này đặt ra vấn đề liệu rằng các doanh nghiệp công nghệ khác, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội thâm nhập thị trường phần mềm hay không?

Ngày 10.8 vừa qua, Thường trực Tỉnh ủy đã có buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo Tập đoàn FPT về định hướng hợp tác, tư vấn, hỗ trợ tỉnh trong chuyển đổi số. Nổi bật là mục tiêu từng bước đưa Hải Dương vào nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; hình thành đồng bộ 3 trụ cột gồm kinh tế số, chính quyền số và xã hội số thông qua 7 chương trình cụ thể. Sự hợp tác giữa tỉnh và Tập đoàn FPT sẽ là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp nói chung, các Startup (khởi nghiệp) nói riêng hình thành hướng đi mới.

Về phía tỉnh, để sớm đạt được những mục tiêu trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết chuyển đổi số đã đề ra cần ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ, nhất là các Startup. Nghiên cứu, xây dựng giải thưởng về ý tưởng chuyển đổi số của tỉnh cũng có thể là cách làm hay. Qua đó vừa lan tỏa tinh thần chuyển đổi số, khuyến khích hình thành các doanh nghiệp công nghệ, vừa chọn lọc được những ý tưởng, giải pháp đột phá để đầu tư, ứng dụng trong thực tiễn.

Thị trường lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chuyển đổi số đang dần hình thành. Từ nguồn nhân lực số, giải pháp số, nội dung số cho đến bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn… những nhu cầu này sẽ ngày một rõ nét hơn. Song để gia nhập thị trường, các doanh nghiệp không thể chỉ trông chờ những khuyến khích của tỉnh mà cần chủ động, sớm hoạch định sẽ tham gia vào chuỗi giá trị này tại khâu nào. Nếu là doanh nghiệp cung ứng nội dung số, điều đầu tiên cần làm là phải thu hút đội ngũ nhân sự đủ chuyên môn. Từ đó “viết phần mềm” hướng tới khách hàng tiềm năng. Tương tự, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo trì không chỉ sửa chữa, bảo dưỡng đơn thuần mà cần có đủ kiến thức, kỹ năng để tư vấn, thậm chí đưa ra những cảnh báo sự cố sớm cho khách hàng. Doanh nghiệp đi theo mỗi hướng khác nhau trong chuỗi giá trị của ngành ICT sẽ có những kế hoạch, chiến lược khác nhau.

Quan trọng nhất, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp cần “nghĩ lớn, làm chuyên nghiệp”.

LÊ TRẦN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công nghiệp hỗ trợ chuyển đổi số, tại sao không?