Tôi đã viết hàng nghìn bài báo, nhưng có lẽ đây là trường hợp hy hữu, được chứng kiến cái thời khắc biên tập một bài báo nhanh đến mức “thần kỳ” như thế.
Còn nhớ lần đầu khoảng tháng 3/2008, tôi đến Tòa soạn Báo Tiền Phong (Hà Nội) gửi bài... Đang ngơ ngác tìm người hỏi, thì có ai đó chỉ cho tôi một người ngồi làm việc ở góc phòng rộng và nói: "Anh Sơn đấy, cứ gặp anh ấy sẽ được giúp đỡ”.
Tôi đến gần anh Sơn và nói rõ ý mình. Không hề xã giao, anh cầm ngay tập bản thảo tôi đưa và chăm chú đọc ngay trước bàn máy vi tính, rồi ngước lên nhìn tôi bảo: “Tít bài này, không dùng chữ nữ sĩ, phải là nữ kiệt, anh ạ. Nhân vật này phải dùng chữ kiệt mới đáng tầm”. Vừa nói anh vừa dùng bút bi khoanh tròn chữ "sĩ", có móc ra ngoài thay bằng chữ "kiệt".
Tôi cứ lặng lẽ xem anh Sơn xử lý bài nhanh đến sững sờ. Anh biên tập bài ngay trước mặt tác giả. Trong bài, tôi có kèm một tấm ảnh để minh họa. Anh bỏ bức ảnh này và nói thêm: “Về ảnh sẽ dùng ảnh của phóng viên báo chụp về nhân vật. Anh yên tâm”.
Xong xuôi, anh nhìn tôi nói với một giọng đầy tự tin: "Bài và ảnh thế là ổn. Nhưng còn việc này, anh phải gọi điện ngay cho nhân vật biết và trả lời chúng tôi. Nếu đồng ý cho đăng, thì sáng ngày kia báo sẽ ra. Còn nếu không, chúng tôi cũng biết để có bài khác thay thế”.
Tôi hồi hộp gọi điện cho nhân vật bài báo, nhận được lời chấp thuận. Và đúng sáng ngày mùng 8/3/2008, bài báo "Nữ kiệt phương nam làm “quan” đất xứ Đông" đã in trên báo Tiền Phong, kèm theo tấm ảnh chân dung của nhân vật đeo tấm thẻ đại biểu Quốc hội. Vị “nữ kiệt” trong bài báo chính là Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân (sau này là Chủ tịch Quốc hội)…
Phải kể lể dài dòng như thế, để nói một ý rất ngắn gọn thế này: Anh Sơn (bấy giờ còn là Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong) là con người của công việc, tâm huyết, sắc nét, giải quyết công việc rất nhanh, hiệu quả… Cũng vì thích phong cách như thế nên sau đó tôi rất thích cộng tác với Báo Tiền Phong. Có thời kỳ, hầu như cứ mỗi tuần tôi có một bài phóng sự, ghi chép và những tấm ảnh tư liệu đắt giá.
Sau này được biết, năm 1994, anh Lê Xuân Sơn mới đến công tác tại Báo Tiền Phong. Anh là nhà báo, làm đủ mọi việc từ thấp lên cao, đi qua các bộ phận của tờ báo cho đến chức Tổng Biên tập một tờ báo rất có tiếng tăm, có vị thế.
Tôi đã viết hàng nghìn bài báo, nhưng có lẽ đây là trường hợp hy hữu, được chứng kiến thời khắc biên tập một bài báo nhanh đến mức “thần kỳ” như thế. Sau này nghĩ lại, đúng là nhanh như… báo!
THIÊN GIA TRANG