Cảm nhận của anh bạn đồng nghiệp khi thực hiện thủ tục trên Cổng dịch vụ công quốc gia là nhanh thật.
Phát biểu tại sự kiện này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, xây dựng và phát triển Chính phủ số là xu thế tất yếu, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội và là con đường đúng đắn để phát triển một đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.
Trong năm 2020 này, mục tiêu đặt ra là phải hoàn thành chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Cũng xin nói thêm, Nghị định 43/2011/NĐ-CP ngày 13.62011 của Chính phủ đã phân loại dịch vụ công trực tuyến thành 4 mức độ. Theo đó, mức độ 4 là mức độ cao nhất với tiêu chí: bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó; cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ; các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng; cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến; việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng. Hay nói cách khác, người dân hoàn toàn có thể ngồi nhà để thực hiện các thủ tục mà không cần mất thời gian đến cơ quan nhà nước xếp hàng như trước.
Khi nói về ưu điểm của nền hành chính số, PGS.TS Nguyễn Văn Hậu (Học viện Hành chính quốc gia) cho rằng, công nghệ hay máy móc sẽ khắc phục được những điểm yếu của hoạt động công vụ do con người thực hiện như: du di, yêu ghét, duy tình, thiên vị, duy ý chí, ngại va chạm, phân biệt đối xử… Một điều cũng dễ nhận thấy là trong nhiều vụ án tham nhũng bị đưa ra ánh sáng trong thời gian qua, nhiều quyết định phê duyệt, cấp phép bỗng trở nên “thần tốc” trong một thời gian ngắn mà các doanh nghiệp, người dân bình thường vốn chỉ có “mơ”.
Năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động tiến trình hướng tới một "Việt Nam số". Dịch COVID-19 bùng phát lại càng là yếu tố thúc đẩy quá trình chuyển đổi. Khi các thủ tục hành chính được công khai, minh bạch thì những chi phí “làm nhanh” như nói trên sẽ giảm thiểu, và thậm chí Nhà nước hoàn toàn có thể kiểm soát và thu thuế, công chức có thể đàng hoàng nhận thu nhập làm thêm ngoài giờ khi phục vụ doanh nghiệp, nhân dân.
TRẦN NGỌC TÚ