Tôi cứ tưởng tượng ra khuôn mặt các em nhỏ miền núi có hoàn cảnh khó khăn, rạng rỡ, vui tươi đón nhận những bộ quần áo này trong năm học mới tới là thấy lòng dâng lên một niềm vui khó tả.
Trưa chủ nhật nắng nóng, tôi đang ngồi trong phòng điều hòa chơi game thì nghe tiếng mẹ gọi ngoài cổng:
- Khang ơi, ra mẹ nhờ tý việc.
Buông điện thoại xuống bàn, tôi thoáng chút khó chịu, thầm nghĩ đang chơi vui mẹ lại nhờ vả. Cả tuần mới có một ngày chủ nhật. Chán thế không biết! Tuy nhiên, tôi vẫn “dạ” thật to và chạy ra cổng. Tôi biết tính của mẹ, phải có việc thật cần thiết mẹ mới nhờ đến người khác. Tôi thấy một xe chở bao tải cồng kềnh còn mẹ đang loay hoay tháo các dây chằng. Tôi vội mở rộng cổng, giúp mẹ dỡ các bao tải xuống và mang vào nhà. Vừa làm tôi vừa hỏi:
- Lại quần áo hả mẹ? Mẹ xin được ở đâu mà nhiều thế?
Mẹ vừa lễ mễ cắp một bao quần áo thật to vào, vui vẻ bảo:
- Ừ, hôm nay nhà may Hằng Nga dọn kho, họ gọi cho một số quần áo đồng phục học sinh tồn lại. Hơi lỗi một chút nhưng mới nguyên và còn rất đẹp con ạ!
- Đã lỗi lại còn đẹp. Mẹ đúng là… hi hi… - tôi lè lưỡi trêu mẹ - Mẹ đã bận lại cứ thích ôm đồm việc này, mẹ không thấy mệt hay sao?
Mẹ đưa bàn tay lên vén lại những sợi tóc mái bị mồ hôi làm bết lại trên trán và nhìn tôi bằng ánh mắt lấp lánh đến là lạ. Mẹ cười thật tươi rồi nhẹ nhàng nói:
- Chịu khó một tý cho các em có quần áo mới đến trường con ạ. Mình không có của thì góp tý công.
Tôi cũng cười vì thấy mẹ như là đang nói về các con của mẹ đẻ ra ấy. Quay vào lấy một cốc nước mời mẹ rồi tôi tự sắp xếp lại các bao quần áo cho gọn lại. Mẹ nhìn tôi âu yếm bảo:
- Lát nữa, mẹ con mình giặt và phơi chỗ quần áo này con nhé! Hôm nay trời nắng to, chắc chỉ một lúc là khô hết thôi.
Tôi gãi gãi đầu ngại ngần, hỏi lại mẹ:
- Giặt, phơi cả từng này quần áo ấy ạ?
Mẹ gật đầu:
- Ừ, giặt cả con ạ. Quần áo họ để kho lâu nên không được thơm tho, sạch sẽ. Với lại có một số cái mẹ thấy bị lem một chút dầu máy nữa.
- Úi giời, họ đang khó khăn, không có đồ mặc, mình cho cái gì chẳng quý hả mẹ?
Nghe tôi nói vậy, mẹ thoáng buồn:
- Con nghĩ thế là sai rồi! Của cho không bằng cách cho. Mình làm thiện nguyện phải dùng cái tâm mà làm. Giả sử giờ con là một học sinh khó khăn đang cần một bộ quần áo để mặc đến trường mà con được tặng một bộ quần áo nhem nhuốc dầu máy con sẽ cảm thấy như thế nào?
Tôi cảm thấy xấu hổ nên im bặt. Không phải đây là lần đầu mẹ làm việc này nhưng vì tôi bận học nên mẹ thường làm một mình. Thi thoảng tôi chỉ phải chạy đi mua hộ mẹ túi bóng kính thôi. Vốn là con trai lại còn ham chơi nên tôi cũng chả mấy để ý mẹ đã làm những gì. Chỉ biết là mẹ tham gia một nhóm thiện nguyện.
Mẹ nghỉ một lát rồi bảo tôi mở từng bao quần áo ra, cái nào lem dầu máy mẹ để riêng bảo lát nữa mẹ sẽ giặt tay mới sạch được. Còn lại mẹ nhờ tôi bỏ giúp vào máy giặt. Hai mẹ con tôi vừa làm vừa trò chuyện vui vẻ. Tự dưng tôi thấy lòng nhẹ nhàng và ấm áp vô cùng. Tối hôm ấy, ngồi xung quanh đống quần áo cao ngất, sạch sẽ, thơm tho không chỉ có tôi và mẹ, còn có Mai Hương - bạn học của tôi, bác dâu của tôi, cả con gái của bác nữa. Chúng tôi xếp từng bộ đồng phục thật đẹp cho vào túi bóng kính rồi dán băng dính lại như những bộ quần áo được trưng bán ngoài các cửa hàng, cửa hiệu. Những câu chuyện vui, những tiếng cười vang lên trong ngôi nhà bé nhỏ. Tôi cứ tưởng tượng ra khuôn mặt các em nhỏ miền núi có hoàn cảnh khó khăn, rạng rỡ, vui tươi đón nhận những bộ quần áo này trong năm học mới tới là thấy lòng dâng lên một niềm vui khó tả.
Thế là đã hết một ngày chủ nhật. Mệt nhưng sao tôi thấy vui và ý nghĩa thế!
TRẦN HỮU KHANG (Lớp 11H, Trường THPT Cẩm Giàng)