Thông tin TP Hải Dương không tổ chức bốc thăm giáo viên chủ nhiệm lớp 1 và lớp 6 trong năm học 2022-2023 đã thu hút sự chú ý của nhiều phụ huynh.
Phần lớn tỏ ra băn khoăn, lo lắng vì không biết như vậy có thật sự công bằng, khách quan, khắc phục tình trạng chọn thầy cô?
Quy định tổ chức bốc thăm giáo viên chủ nhiệm lớp 1 và lớp 6 được thành phố thực hiện từ năm học 2020-2021 và triển khai đồng thời với việc chia lớp bằng phần mềm nhằm tạo sự công bằng, khách quan, khắc phục tình trạng chọn lớp, chọn thầy cô. Sở dĩ TP Hải Dương đưa ra quy định này vì địa phương có đông học sinh, tình trạng chọn lớp, chọn trường, đặc biệt là những lớp đầu cấp diễn ra nhiều gây bức xúc trong dư luận. Nhưng đến nay sau 2 năm thực hiện, thành phố không tổ chức bốc thăm giáo viên chủ nhiệm lớp 1 và lớp 6 nữa vì cho rằng biện pháp này đã gây không ít khó khăn cho các trường trong công tác sắp xếp giáo viên. Đơn cử như các học sinh đặc biệt hay khuyết tật thì không sắp xếp được giáo viên có kỹ năng và chuyên môn phù hợp để giảng dạy... Lý do này liệu có thực sự thuyết phục?
Phụ huynh làm thủ tục xét tuyển lớp 6 cho con tại Trường THCS Lê Quý Đôn. Ảnh minh họa
Năm học 2021-2022, tôi có con vào học lớp 1. Lúc đầu tôi cũng băn khoăn vì nghe nhiều phụ huynh rỉ tai rằng nên chọn cho con vào lớp của cô A, cô B chủ nhiệm, vì đó là những cô giáo dạy giỏi. Tôi dò hỏi và được biết việc lựa chọn thầy cô là không thể vì nhà trường phải thực hiện theo yêu cầu bốc thăm giáo viên chủ nhiệm lớp 1 và lớp 6. Tôi rất đồng tình với cách làm này.
Năm học này, TP Hải Dương quyết định bỏ việc tổ chức bốc thăm giáo viên chủ nhiệm lớp 1 và lớp 6, chỉ giữ nguyên việc chia lớp theo phần mềm. Tuy nhiên, được biết việc chia lớp bằng phần mềm chỉ bắt buộc với tất cả học sinh lớp 1 và lớp 6 chất lượng cao. Đối với học sinh lớp 6 đại trà, nếu không chia lớp bằng phần mềm thì trường phải xây dựng kế hoạch chia lớp bảo đảm công bằng, khách quan và báo cáo phương án về Phòng Giáo dục và Đào tạo. Câu hỏi đặt ra là khi đã bỏ việc tổ chức bốc thăm giáo viên chủ nhiệm lớp 1 và lớp 6, còn việc chia lớp bằng phần mềm lại do nhà trường xây dựng kế hoạch thì làm thế nào để bảo đảm công bằng, khách quan, thực chất?
Thực tế khi đưa ra quy định bốc thăm giáo viên chủ nhiệm và phân chia lớp bằng phần mềm, TP Hải Dương mong muốn khắc phục triệt để việc chọn lớp, chọn thầy cô chủ nhiệm, vì việc này đã tạo ra nhiều tiêu cực. Tôi biết rằng có không ít người trong 2 năm thành phố thực hiện quy định này đã phải ngậm ngùi để con học lớp thầy cô chủ nhiệm "không đúng ý". Vậy khi bãi bỏ quy định bốc thăm giáo viên chủ nhiệm liệu có tạo ra kẽ hở cho việc chọn thầy cô, nhất là khi nhà trường được giao quyền xây dựng kế hoạch chia lớp?
Năm học 2022-2023, tôi có con vào học lớp 6. Đến nay, nhà trường đã tổ chức chia lớp và cho học sinh lớp 6 nhận lớp, nhận thầy cô chủ nhiệm. Nhà trường cũng thông báo rõ rằng việc chia lớp, phân công thầy cô chủ nhiệm này mới chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, ngay khi có danh sách này rất nhiều phụ huynh đã lo lắng. Thậm chí không ít người tỏ rõ quan điểm phải "chạy" cho con vào lớp thầy A, cô B chủ nhiệm. Chưa biết nhà trường nơi con tôi học có điều chỉnh gì không so với việc phân lớp, phân thầy cô chủ nhiệm tạm thời đã đưa ra nhưng nhiều phụ huynh đang lo ngại và hồi hộp theo dõi, nhất là khi thông tin bỏ việc bốc thăm giáo viên chủ nhiệm được thông qua.
Thiết nghĩ, việc áp dụng quy định hay không thì mục đích cuối cùng cũng là tạo ra môi trường học tập công bằng, lành mạnh, tạo mọi cơ hội cho học sinh phấn đấu vươn lên. Các thầy cô trong nhà trường đều đã được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn theo đúng quy định, vì vậy các phụ huynh không nên quá quan trọng việc chọn thầy cô. Điều cần làm là định hướng để con em biết nỗ lực vươn lên trong học tập. Các trường ở TP Hải Dương nói riêng, toàn tỉnh nói chung cần thực hiện nghiêm mọi quy định, tránh rơi vào "vết xe đổ" với những dư luận xấu trong việc chọn trường, chọn lớp như trước đây.
NGỌC THANH