Chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh đạt mức cao nhất trong 15 năm

05/05/2020 17:12

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, PCI 2019 là báo cáo đạt mức độ chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh cao nhất trong 15 năm qua với mức điểm PCI trung bình được tổng hợp là 65,13 điểm.


15 năm PCI đã ghi nhận những chuyển biến tích cực trong môi trường kinh doanh và sự nghiệp phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam

Tại Lễ công bố Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2019 diễn ra tại Hà Nội vào sáng ngày 5.5 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, 15 năm qua, báo cáo PCI đã "bền bỉ" chuyển tải các thông điệp về việc cần nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa. Điều này giúp tạo công ăn việc làm, đóng góp ngân sách, tạo ra năng lực cạnh tranh và tăng cường sự thịnh vượng quốc gia. 

Báo cáo PCI được xây dựng trên cơ sở thông tin phản hồi từ gần 12.500 doanh nghiệp; trong đó, có khoảng 11.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại 21 địa phương của Việt Nam. 

PCI 2019 là báo cáo đạt mức độ chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh cao nhất trong 15 năm qua với mức điểm PCI trung bình được tổng hợp là 65,13 điểm. Quán quân của Bảng xếp hạng PCI 2019 là tỉnh Quảng Ninh với 73,4 điểm. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp, địa phương này tiếp tục dẫn đầu danh sách. Tiếp đến là tỉnh Đồng Tháp với 72,1 điểm, Vĩnh Long là 71,3 điểm, Bắc Ninh là 70,79 điểm.

Các tỉnh, thành phố tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu bao gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Long An, Hà Nội và Hải Phòng. Các địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao còn có Cần Thơ, Thái Nguyên, Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu... Các tỉnh đứng cuối bảng xếp hạng PCI 2019 là Lai Châu, Đắc Nông, Bình Phước... rất cần nỗ lực nhiều hơn để phấn đấu đạt thành tích cao hơn. 

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink cho biết, năm 2020 đánh dấu 5 năm thực hiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ. Trong 15 năm qua, chỉ số PCI có vai trò quan trọng thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong công tác điều hành kinh tế cấp tỉnh và tạo thuận lợi cho sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Qua đó, thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế. Hoa Kỳ hỗ trợ PCI song song với một số chương trình có mục tiêu cải thiện sinh kế của người dân Việt Nam trên mọi miền đất nước.

Theo điều tra PCI 2019, các doanh nghiệp FDI tiếp tục đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh Việt Nam. Những cải thiện ấn tượng nhất là trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, tiếp cận đất đai và cắt giảm chi phí không chính thức cũng như gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp FDI cũng cho biết, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan tới giai đoạn hoạt động sau đăng ký, thủ tục xuất nhập khẩu, bảo hiểm xã hội và thuế.... Các doanh nghiệp FDI cũng mong muốn Việt Nam có chiến lược và chính sách hiệu quả để nâng cao chất lượng lao động; đặc biệt là lao động có kỹ năng. 

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI, yêu cầu quan trọng nhất và cũng là yếu tố quyết định của bảng xếp hạng PCI hàng năm chính là chất lượng điều hành của chính quyền địa phương; chứ không tính riêng về mặt địa lý, tiềm năng hay thế mạnh riêng của từng địa phương.

Bất kỳ doanh nghiệp nào đóng thuế trên địa bàn của mỗi tỉnh, thành phố đều có quyền thụ hưởng các chính sách tốt cũng như được yêu cầu chính quyền địa phương "phục vụ" hay được bày tỏ quan điểm, đánh giá của họ đối với chất lượng điều hành của chính quyền địa phương ấy. Như thế mới là bình đẳng và "sòng phẳng". 

Cũng qua báo cáo PCI2019 đã chỉ ra năm vấn đề khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp dân doanh đang gặp phải hiện nay. Đó là tìm kiếm khách hàng, tiếp cận vốn vay, tìm kiếm nhân sự thích hợp, tìm kiếm đối tác kinh doanh và biến động thị trường. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có gặp nhiều khó khăn hơn so với các doanh nghiệp lớn.

Khó khăn của các doanh nghiệp chắc chắn sẽ còn nghiêm trọng hơn trong năm 2020 và thời gian tới bởi những tác động tiêu cực do sự bùng phát dịch bệnh COVID-19. Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ tạm dừng hoạt động, thậm chí phá sản. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương.

Theo  ông Vũ Tiến Lộc, thực tế cho thấy PCI là cuộc đua không có điểm dừng, đòi hỏi sự vào cuộc, sát sao và điều hành có hiệu quả của chính quyền các địa phương. Ở đâu lãnh đạo quan tâm sâu sát kịp thời, có chính sách đúng và trúng thì chỉ số PCI luôn được cải thiện và nâng cao qua từng năm.

Chẳng hạn, Hà Nội có điểm số được cải thiện qua từng năm thể hiện khát vọng vươn lên của chính quyền thành phố, thông qua những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp 1 cách thiết thực, cụ thể như thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với đại diện hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn để tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp thông tin thị trường... Những động thái đó được cộng đồng doanh nghiệp đồng thuận và đánh giá cao".

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh đạt mức cao nhất trong 15 năm