Để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng yêu cầu các cấp, các ngành phải quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp, tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Quang cảnh phiên họp thường kỳ tháng 4 (lần 3) của UBND tỉnh
Đây là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng tại phiên họp thường kỳ tháng 4 (lần 3) của UBND tỉnh chiều 19.4.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng yêu cầu các cấp, ngành đánh giá khách quan, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong thực hiện các mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Từ đó, đưa ra các giải pháp khắc phục, quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương phải thay đổi phương pháp làm việc, lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời đồng hành cùng các nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư. Các cấp, các ngành nghiêm túc thực hiện công khai, minh bạch trình tự thực hiện các thủ tục theo nhiệm vụ được giao nhằm giảm thiểu chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao chất lượng quản trị điều hành, chất lượng phục vụ của chính quyền các cấp.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo phân tích kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 của tỉnh
Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tiếp thu ý kiến của đại biểu tại phiên họp, tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trong đó nhấn mạnh vào cam kết của người đứng đầu cấp chính quyền, thủ trưởng sở, ngành trong cải thiện môi trường đầu tư. Nội dung kế hoạch phải bám sát Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 19.8.2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch hành động số 300/KH-UBND ngày 28.1.2022 của UBND tỉnh để thực hiện Nghị quyết 08.
Năm 2022, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hải Dương đạt 65,22 điểm, giảm 2,43 điểm so với năm 2021. Xếp hạng PCI của tỉnh đứng thứ 32 cả nước, thứ 9 trong vùng đồng bằng sông Hồng. Trong 10 chỉ số thành phần, có 1 chỉ số tăng điểm là gia nhập thị trường, 9 chỉ số còn lại giảm điểm.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, kết quả PCI phản ánh một số kết quả tích cực về môi trường đầu tư của tỉnh. Đó là công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính tiếp tục có chuyển biến, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường. Một số thông tin, tài liệu được cơ quan nhà nước minh bạch, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận. Các cấp chính quyền, sở, ngành có nhiều nỗ lực trong thực thi các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh cơ bản ổn định. Tuy nhiên, việc nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh đứng trước một số khó khăn, thách thức. Đó là, hầu hết các chỉ số thành phần đều giảm điểm, đặc biệt các chỉ số chiếm trọng số lớn như đào tạo lao động, cạnh tranh bình đẳng, chi phí không chính thức… giảm điểm sâu so với mức giảm chung của cả nước. Chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chưa cao, tiếp cận đất đai vẫn là điểm nghẽn lớn. Việc tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của cơ quan nhà nước còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Một số khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp còn chậm được xử lý, tháo gỡ. Công tác tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn chậm, bị động, chưa quyết liệt…
Giám đốc Sở Công thương nêu ý kiến về việc thực hiện các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư
Tại phiên họp, UBND tỉnh cũng xem xét nội dung liên quan đến việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản trong quá trình nạo vét lòng hồ An Bài (Chí Linh); đề xuất, điều chỉnh dự án đầu tư công sau khi xin ý kiến các thành viên UBND tỉnh; kết quả thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng, quản lý và kinh doanh chợ Phú Yên (TP Hải Dương)…
NM
>>>[Audio] Xem xét phương án xử lý trụ sở làm việc cũ của Chi cục Thuế TP Hải Dương