Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương nhằm xác định rõ những khó khăn, điểm nghẽn, vướng mắc, nút thắt ở từng ngành, lĩnh vực cụ thể để tập trung tháo gỡ, khắc phục.
Là một trong những công cụ hữu hiệu góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư song hiện nay Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI) tại Hải Dương vẫn mới chỉ được nhắc tới trên các nghị quyết, kế hoạch mà chưa được đưa vào thực tế.
Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hải Dương. Ảnh tư liệu
Nếu như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là cuộc đua về năng lực điều hành nền kinh tế giữa các tỉnh, thành phố thông qua đánh giá, cảm nhận của doanh nghiệp thì DDCI chính là thước đo việc thực hiện nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương để thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn các nhà đầu tư. Do đó, DDCI là nền tảng, điểm tựa nhằm thúc đẩy PCI. Triển khai DDCI không chỉ tạo kênh giám sát hiệu quả của UBND cấp tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng dịch vụ phục vụ trong đầu tư, tạo động lực cạnh tranh, thi đua giữa các cơ quan, đơn vị mà còn là căn cứ, cơ sở để tỉnh định hướng các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Không ít ý kiến lo ngại việc xây dựng, triển khai DDCI sẽ gây chồng chéo khi Hải Dương cũng thực hiện đánh giá cải cách hành chính giữa các sở, ngành, địa phương. Tuy nhiên, DDCI không phải là cải cách hành chính mà là cụ thể hoá PCI dựa trên việc cụ thể hoá các điều kiện riêng có của từng tỉnh, thành phố. Các chỉ số trong DDCI hướng đến mục tiêu cụ thể, rõ ràng trong phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Mặt khác, việc đánh giá DDCI sẽ chuyên sâu hơn PCI vì quy mô khảo sát nhỏ nên mức độ tin cậy, tỷ lệ chính xác cũng cao hơn. Kết quả DDCI hằng năm là căn cứ để UBND cấp tỉnh xác định rõ những khó khăn, điểm nghẽn, vướng mắc, nút thắt ở từng ngành, lĩnh vực cụ thể để tập trung tháo gỡ, khắc phục. Những tỉnh, thành phố có thứ hạng PCI cao trong những năm qua như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Tháp… đều thực hiện việc đánh giá DDCI nghiêm túc.
Tại Hải Dương, xếp hạng PCI của tỉnh năm 2021 có bước tiến vượt bậc khi đứng thứ 13 trong 63 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 34 bậc so với năm trước đó. Điều này cho thấy sự quan tâm cũng như nỗ lực của tỉnh trong việc tạo dựng môi trường đầu tư lành mạnh, thông thoáng, đem lại thuận lợi cho doanh nghiệp. Mặc dù vậy, nhiều chỉ số thành phần quan trọng như tiếp cận đất đai, đào tạo lao động, hỗ trợ doanh nghiệp… vẫn thiếu bền vững. Do vậy, phải có thông số cụ thể đánh giá xác đáng để phát huy thế mạnh và khắc phục những hạn chế kịp thời. DDCI sẽ giúp tỉnh mổ xẻ, phân tích các chỉ số thấu đáo và khách quan nhất. Chính vì có mối liên hệ hai chiều nên tỉnh không thể chỉ coi trọng PCI mà bỏ qua DDCI.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được xác định là một trong 3 khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 19.8.2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021-2025 cũng nhấn mạnh việc xây dựng, ban hành Bộ tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương làm tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đối với từng đơn vị. Chính vì vậy, việc xây dựng, triển khai DDCI là không thể chậm trễ. Bên cạnh những chỉ số khung, tỉnh cũng cần nghiên cứu các tiêu chí đặc thù, riêng biệt để áp dụng. Thực hiện DDCI chính là thể hiện sự tôn trọng, cầu thị, lắng nghe tiếng nói của tỉnh đối với doanh nghiệp, tạo sự gắn kết giữa cấp uỷ, chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp. Và khi mọi ý kiến được ghi nhận, niềm tin được củng cố thì các bên sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn về đối phương. Từ đó, môi trường đầu tư của Hải Dương sẽ có chuyển biến mang tính đột phá hơn, không còn bấp bênh, thiếu bền vững như thời gian qua.
HOÀNG LINH