[Video] Hải Dương "mổ xẻ" thực chất chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

21/04/2023 18:35

Chiều 21.4, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022.

00:00


Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Trần Đức Thắng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị


Xem clip

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thủ trưởng các sở, ban, ngành, Bí thư Thành ủy, Thị ủy, Huyện ủy và Chủ tịch UBND cấp huyện trong tỉnh.

Tụt hạng

Mở đầu hội nghị, đồng chí Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương báo cáo đánh giá kết quả thực hiện PCI năm 2022 của Hải Dương. Theo kết quả công bố của VCCI, năm 2022, PCI của tỉnh đạt 65,22 điểm, giảm 2,43 điểm; giảm 19 bậc, đứng thứ 32 cả nước; giảm 4 bậc, đứng thứ 9 vùng đồng bằng sông Hồng so với năm 2021. Trong tổng số 10 chỉ số thành phần, có 1 chỉ số tăng điểm là gia nhập thị trường đạt 7,55 điểm, tăng 0,31 điểm, đạt mức tăng cao so với chênh lệch điểm trung vị cả nước (cả nước điểm trung vị tăng 0,07 điểm). 9 chỉ số giảm điểm là cạnh tranh bình đẳng giảm 2,97 điểm, tính năng động của chính quyền giảm 1,57 điểm, đào tạo lao động giảm 1,03 điểm, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp giảm 0,61 điểm, chi phí không chính thức giảm 0,43 điểm, chi phí thời gian giảm 0,15 điểm, tính minh bạch giảm 0,12 điểm, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự giảm 0,1 điểm, tiếp cận đất đai giảm 0,02 điểm. 


Các đại biểu tham dự hội nghị

Trong tương quan so với cả nước, 7 chỉ số thành phần cấu thành PCI của tỉnh Hải Dương bị tụt hạng, 3 chỉ số tăng hạng là gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Trong các chỉ số tăng hạng, chỉ số gia nhập thị trường có bước cải thiện khá rõ, tăng hạng từ thứ 16 cả nước (năm 2021) lên thứ 4 (năm 2022), giữ vững vị trí đứng đầu vùng đồng bằng sông Hồng. Đây cũng là chỉ số thành phần duy nhất của tỉnh đứng trong tốp 10 địa phương cả nước có điểm số cao. 

Trong tương quan so với các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng, ngoại trừ chỉ số gia nhập thị trường của tỉnh giữ vững vị trí thứ nhất, 9 chỉ số còn lại đều tụt hạng. Một số chỉ số giảm khá lớn như cạnh tranh bình đẳng, chi phí không chính thức…


Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân báo cáo kết quả thực hiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 của Hải Dương

Nhìn thẳng hạn chế

Điều hành phần thảo luận, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế để đề xuất các giải pháp khắc phục.

Đồng chí Lê Hồng Diên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phân tích kết quả, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mỗi sở, ngành đều tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới PCI. Ngành kế hoạch và đầu tư ảnh hưởng tới kết quả của các chỉ số gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Thời gian qua, với chức năng nhiệm vụ được giao, sở đã thực hiện công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư, đăng ký doanh nghiệp. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành khác tham mưu cho UBND tỉnh tháo gỡ một số vướng mắc trong quy trình tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư… Tuy nhiên, một số chỉ tiêu, chỉ số thành phần có sự tham gia của sở chưa có cải thiện, chất lượng tham mưu cải thiện môi trường đầu tư còn hạn chế.

“Ngay sau hội nghị, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ khẩn trương rà soát kết quả các chỉ số thành phần PCI để xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể, quyết tâm nâng cao điểm, nhất là các chỉ số có trọng số lớn bền vững. Quyết liệt tham mưu tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là các dự án giao thông kết nối vùng hỗ trợ trực tiếp cho việc thu hút các dự án đầu tư kinh doanh”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương cam kết.


Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản điều hành thảo luận 

Là ngành đóng vai trò trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, Giám đốc Sở Công thương Trần Văn Hảo thừa nhận việc giải quyết vướng mắc trong thực hiện các văn bản thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) chưa tốt. Sở Công thương kiến nghị Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền các thông tin liên quan tới FTA. Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, bất cập về đất đai, đầu tư, xây dựng để doanh nghiệp có thể chủ động đón đầu cơ hội từ FTA. Ngành công thương sẽ chủ động tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp tiếp cận, tìm hiểu các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý. Tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đồng thời tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn của Bộ Công thương để thông tin về FTA tới cộng đồng doanh nghiệp dưới nhiều hình thức.

Tiếp cận đất đai là chỉ số thành phần có liên quan trực tiếp đến vai trò và trách nhiệm của ngành tài nguyên và môi trường. Trong 14 chỉ tiêu thành phần của chỉ số tiếp cận đất đai có một số chỉ tiêu bị giảm điểm. Giải trình về nội dung này, đồng chí Hoàng Văn Thực, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết việc giảm điểm ngoài nguyên nhân chủ quan do thực hiện nhiệm vụ chuyên môn chậm, phối hợp giải quyết công việc hạn chế, ứng dụng công nghệ thông tin chưa kịp thời, cập nhật kiến thức pháp luật đất đai chưa đáp ứng yêu cầu thì còn chịu tác động bởi các nguyên nhân khách quan. Đó là hệ thống chính sách pháp luật về đất đai chưa hoàn thiện, thủ tục hành chính của dự án thuê đất liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp. Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh 1 cấp mới được thành lập nên khối lượng công việc dồn về sở rất lớn…

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định: “Sở sẽ xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân vi phạm hoặc cố tình vi phạm trong việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai. Ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sở thực hiện đồng bộ các giải pháp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai”.


Đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Hồng Diên giải trình các chỉ số năng lực cạnh tranh liên quan tới chức năng, nhiệm vụ của ngành

Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hải Dương Vũ Ngọc làm rõ một số vấn đề về việc giảm điểm chỉ số thành phần liên quan tới ngành thuế. Đó là chỉ tiêu thương lượng với cán bộ thuế là phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh và tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế. Số liệu VCCI rà soát đối chiếu tại 255 doanh nghiệp chỉ chiếm 2,4% số doanh nghiệp của Hải Dương. Để cải thiện chỉ số PCI, Cục Thuế tỉnh công khai đường dây nóng, doanh nghiệp có thể phản ánh khi cán bộ thuế có biểu hiện nhũng nhiễu. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người nộp thuế với cán bộ thuế.

Sớm ban hành Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) là giải pháp mà Chủ tịch UBND TP Chí Linh Nguyễn Văn Kiên đề xuất để nâng cao chỉ số PCI. DDCI sẽ là cơ sở để đánh giá khách quan việc thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh của các cơ quan, đơn vị. 

Chủ tịch UBND huyện Kim Thành Phạm Quang Hưng thông tin trên cơ sở nghiên cứu 10 chỉ số thành phần, huyện xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm để cùng tỉnh nâng cao thứ hạng PCI. Đó là đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục, giảm thời gian giải quyết thủ tục, bảo đảm công khai, minh bạch, khả năng tiếp cận các nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, thủ tục về đất đai; tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ để thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.


Đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Văn Thực phân tích chỉ số tiếp cận đất đai

Đánh giá của VCCI

Phát biểu làm rõ thực trạng môi trường đầu tư của Hải Dương thông qua chỉ số PCI, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI đánh giá hội nghị này có tác động quan trọng, phân tích rõ, kỹ, sâu những ưu điểm và hạn chế để nâng cao chất lượng điều hành nền kinh tế.
Theo ông Tuấn, triết lý của PCI là đánh giá chất lượng thực thi của bộ máy chính quyền dưới lăng kính, góc nhìn của doanh nghiệp. Kết quả PCI có thể thúc đẩy sự thay đổi trong lãnh đạo, điều hành của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng một đạo luật nhưng chất lượng thực thi giữa các địa phương khác nhau sẽ dẫn dắt doanh nghiệp lựa chọn địa chỉ tin cậy để quyết định đầu tư.

Qua số liệu khảo sát nhiều năm của VCCI tại Hải Dương, nhóm thủ tục đầu vào tỉnh thực hiện tương đối tốt song nhóm thủ tục sau đăng ký vẫn còn triển khai chưa tốt. Doanh nghiệp đầu tư tại Hải Dương thường gặp khó khăn về những thủ tục liên quan đến thuế, đất đai, giải phóng mặt bằng, bảo hiểm xã hội, phòng cháy, chữa cháy. 

Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Tuấn Anh gợi ý Hải Dương có thể đổi mới hoạt động đầu tư bằng cách thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp sẽ tin tưởng vào năng lực điều hành nền kinh tế của tỉnh để quyết định đầu tư hoặc mở rộng đầu tư. Mặt khác, theo kết quả điều tra, một số doanh nghiệp tại Hải Dương cho rằng tỉnh ưu ái doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hơn doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khi số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đa số. Chính vì thế, tỉnh cần cân đối, coi trọng doanh nghiệp lớn nhưng không bỏ qua doanh nghiệp nhỏ.

Bên cạnh hạn chế, kết quả PCI năm 2022 cũng thể hiện những điểm sáng trong cải thiện môi trường đầu tư của Hải Dương. Chất lượng hạ tầng công nghiệp tại tỉnh ngày càng nâng cao, nguồn nhân lực của tỉnh luôn được các nhà đầu tư đánh giá cao. Mặt khác, chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) lần đầu được công bố, Hải Dương có thứ hạng ấn tượng khi đứng thứ 6 cả nước. PGI là kênh sàng lọc đầu tư quan trọng, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững.


Chủ tịch UBND TP Chí Linh Nguyễn Văn Kiên đề xuất giải pháp nâng cao PCI

“Dự báo thời gian tới, khi dòng vốn đầu tư có những biến động, ảnh hưởng tới việc thu hút đầu tư của các địa phương song VCCI tin tưởng với tinh thần mới, khí thế mới, Hải Dương sẽ tạo được đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư”, ông Đậu Anh Tuấn kỳ vọng.

 Yếu tố con người là then chốt

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Trần Đức Thắng nhấn mạnh những yếu kém và bất cập trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, muốn khắc phục thì phải có sự chuyển biến tích cực từ yếu tố then chốt là con người và khâu tổ chức thực hiện thật nghiêm túc với tinh thần nói đi đôi với làm, không phải nói rồi để đó, không làm. Cần xác định rõ công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh không phải là trách nhiệm của riêng một sở, ngành, địa phương nào mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. 


Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI gợi mở một số giải pháp nâng cao PCI đối với Hải Dương

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Trần Đức Thắng yêu cầu các cấp, các ngành trong tỉnh tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 19.8.2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các văn bản liên quan đến cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, cần rà soát để xây dựng và bổ sung quy chế làm việc, quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Trần Đức Thắng đề nghị UBND tỉnh cần khẩn trương phối hợp, xây dựng để triển khai thực hiện DDCI nhằm đánh giá khách quan, công khai, minh bạch năng lực điều hành kinh tế, chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, khẩn trương chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện việc cải thiện các chỉ số thành phần PCI và người đứng đầu chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả các chỉ số thành phần thuộc lĩnh vực phụ trách. Các cấp, các ngành trong tỉnh phải tâm huyết, trách nhiệm, nỗ lực cải thiện rõ nét hơn môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.


Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng phát biểu tiếp thu các ý kiến tại hội nghị

Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng khẳng định PCI có vai trò hết sức quan trọng, phản ánh thông tin khách quan từ doanh nghiệp về môi trường cạnh tranh của tỉnh. PCI theo dõi, đánh giá chất lượng công tác điều hành, nhất là điều hành kinh tế, mức độ thân thiện, thuận lợi của môi trường kinh doanh, sự nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền để thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân. Kết quả PCI thời gian qua của Hải Dương cho thấy mức độ, chất lượng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh của tỉnh còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, vẫn còn những rào cản, những điểm nghẽn, bất cập trong chỉ đạo, điều hành và trong thực thi công vụ, nhất là phục vụ doanh nghiệp.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng nhấn mạnh Hải Dương luôn xác định việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và xuyên suốt. Ngay sau hội nghị, UBND tỉnh sẽ tổ chức xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể. Trong đó phân công rõ nhiệm vụ cho từng sở, ngành, địa phương, gắn trách nhiệm của người đứng đầu đối với từng nhiệm vụ, từng chỉ tiêu cụ thể. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là cơ sở, nền tảng để Hải Dương có thể huy động và phát huy tối đa nguồn lực đầu tư, nhất là của tư nhân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

NGUYỄN MƠ-HÀ KIÊN

>>> [Audio] Hải Dương quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
>>> Cơ hội trong thách thức
>>> [Audio] Hải Dương đứng thứ 6 cả nước về chỉ số xanh
>>> Nền tảng để năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng bền vững

(0) Bình luận
[Video] Hải Dương "mổ xẻ" thực chất chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh