Góc nhìn

Bữa ăn bán trú: Trách nhiệm của ai?

VĨNH HÀ/Tuổi trẻ 04/11/2023 07:51

Ngộ độc thực phẩm từ bữa ăn bán trú lâu nay vẫn là nỗi lo của các trường, của cha mẹ học sinh mà chưa có giải pháp thực sự hiệu quả để ngăn chặn.

Học sinh tiểu học ở quận 1, TP.HCM trong bữa trưa tại trường - Ảnh: MỸ DUNG

Học sinh tiểu học ở quận 1, TP Hồ Chí Minh ăn bữa trưa tại trường

Bên cạnh đó còn rất nhiều vấn đề khác như trẻ bị đói do suất ăn không đủ, chi phí cho một bữa ăn bán trú đội lên quá cao trong khi chất lượng bữa ăn, nguồn gốc thực phẩm không bảo đảm.

Thỉnh thoảng lại có một sự vụ mà phụ huynh phát hiện, như hình ảnh bữa ăn lèo tèo của trẻ được chia sẻ trên mạng xã hội. Nhiều phản ánh của phụ huynh khi "đột kích" vào trường giữa bữa ăn của trẻ cho thấy đồ dùng phục vụ bán trú thiếu vệ sinh, thức ăn không nóng sốt.

Một số trường hợp phát hiện thức ăn bị ôi do bảo quản không tốt, thậm chí có cả "sinh vật lạ" rơi vào suất ăn của trẻ...

Trước đây, nhiều trường có bếp ăn, tổ chức nhập thực phẩm tươi sống và nấu ăn tại trường. Nhưng việc này xảy ra những bất cập về nguồn nhập thực phẩm, bảo quản và chế biến nên phần lớn các trường hiện nay chọn cách hợp đồng trọn gói với đơn vị bên ngoài.

"Thật xót xa khi đóng tiền ăn cho con 70.000 đồng/ngày nhưng con bị đói", một phụ huynh ở Hà Nội chia sẻ trong nhóm phụ huynh sau khi nhìn hình ảnh bữa ăn của con mình hằng ngày.

Nhưng điều khiến phụ huynh lo ngại hơn cả là các tiêu chuẩn sạch, an toàn chẳng có gì bảo đảm. Một bối cảnh mà phụ huynh chỉ có thể "sống bằng niềm tin" vì không có các cơ chế cần thiết để giám sát và quy trách nhiệm rõ ràng, đúng mức cho các trường.

Một số phụ huynh cho biết vì tính cấp bách đã tự lập nhóm để kiến nghị được tham gia kiểm tra đột xuất bữa ăn bán trú.

Đây là điều lẽ ra hiệu trưởng các trường phải chủ động triển khai để có các kênh giám sát khác nhau hỗ trợ nhà trường, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn, bất hợp lý trong bữa ăn bán trú.

Tuy nhiên, nhiều nhà trường chẳng những không làm mà còn ngăn cản phụ huynh đề xuất quyền được giám sát.

Giải quyết vấn đề bùng nhùng trên thế nào? Có lẽ điều đầu tiên quan trọng là nên xác định trách nhiệm cao nhất trong vấn đề bữa ăn bán trú trong nhà trường là của ai?

Cùng với đó là chế tài đủ thuyết phục khi xảy ra các sự vụ: ngộ độc thực phẩm, thiếu an toàn vệ sinh, thiếu minh bạch về kinh phí, chất lượng bữa ăn...

Khi phải chịu trách nhiệm lớn hơn, các trường sẽ phải thiết lập các quy trình, quy định chặt chẽ, chủ động trong việc phối hợp với các cơ quan chuyên môn và phụ huynh học sinh để kiểm tra bữa ăn bán trú.

Vấn đề ở đây sẽ không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra xem đồ ăn có sạch không, hợp lý với mức chi trả không mà còn phải xem xét dựa trên cơ sở khoa học về dinh dưỡng, phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Đã đến lúc xem đây không phải là yêu cầu quá xa xỉ mà là điều cần thiết vì trách nhiệm với thế hệ tương lai.

Dư luận kêu gọi nhiều ở "cái tâm" của nhà trường, của người kinh doanh thực phẩm. Điều đó không sai, nhưng trong một xã hội đang hướng tới sự văn minh hơn thì trước nhất cần hành xử theo quy định pháp lý, với những ràng buộc rõ ràng và chặt chẽ từ các phía liên quan.

Còn dĩ nhiên trong môi trường giáo dục, một môi trường mà trẻ em cần được chăm sóc và bảo vệ, những hành xử "có tâm" luôn được ủng hộ, tin tưởng và sẽ bền vững hơn là cách làm chỉ chạy theo lợi nhuận, lợi ích...

VĨNH HÀ/Tuổi trẻ
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bữa ăn bán trú: Trách nhiệm của ai?