Cả xóm tôi, ai cũng khen ông tôi mát tay nên mới trồng được cây khế sai quả như thế. Mỗi khi nấu canh chua, các bà, các mẹ quanh xóm lại chạy sang nhà tôi xin vài quả khế.
Ăn cơm tối xong, bố tôi thông báo với cả nhà: “Tuần sau nhà mình mua ô tô, đi lại cho đỡ mưa nắng”. Bà và mẹ tôi vui mừng ra mặt nhưng ông tôi bỗng trầm ngâm. Ông nhìn ra ngoài trời, khẽ chép miệng:
- Cổng nhà mình hơi hẹp, không lẽ phải chặt cây khế chua đi...
Bố tôi quả quyết:
- Phải chặt thôi bố ạ! Cây khế chua ấy chả có tác dụng gì. Giờ khế ngọt người ta còn chẳng ăn mấy nữa là khế chua.
Bà tôi quay sang ông, tiết lộ:
- Hôm nọ, có người khách lạ vào hỏi mua cây khế nhà mình. Họ trả năm triệu, tôi sợ lừa đảo nên bảo không bán. Hay nhà mình rao bán, chứ chặt đi thì tiếc lắm. Ông Thà hàng xóm biết về phong thủy còn bảo nhà mình nhờ cây khế mà tài lộc được rước vào nhà, có nhiều may mắn.
Bố tôi bật cười:
- Ôi! Mẹ ơi! Làm gì còn truyện cổ tích nữa ạ. “Ăn một quả khế trả một cục vàng”. Con chẳng thấy vàng đâu, chỉ thấy khế chín vàng rụng đầy gốc cây, làm mất cả mĩ quan nhà mình.
Mẹ tôi hào hứng với mấy món canh chua:
- Khế chua cũng có tác dụng đấy chứ. Nấu canh rươi, canh cá mà không có khế chua thì mất ngon. Đi làm mệt về, được bát canh chua nấu khế tỉnh cả người.
Bố tôi gạt đi:
- Ôi dào, không có khế chua thì có me, sấu, tai chua, dọc... Thiếu gì gia vị thay thế. Giờ nhà mình mua xe là phải mở rộng cổng, cây khế lại nằm ngay cạnh lối vào sân nhà. Bán đi được một khoản tiền cũng tốt.
Cả nhà bán tán rôm rả chuyện rao bán cây khế chua. Ông tôi không đồng tình bởi cây khế chua ấy đã gắn bó với gia đình tôi nhiều năm, do chính tay ông trồng. Ông đã từng dạy tôi cách phân biệt khế chua và khế ngọt. Ông bảo cây khế chua thì đọt màu nâu sẫm, lúc chín màu vàng đậm, hoa đỏ sẫm và lá tối màu hơn so với khế ngọt. Cây khế chua rất dễ chăm sóc, lớn nhanh và ra quả quanh năm. Thi thoảng bọn bạn lớp tôi kéo vào chơi, thấy khế sai quá, chúng bảo tôi mang cù lèo ra hái, xin tí muối ớt rồi ngồi ăn ngon lành, vừa nhăn mặt vừa chóp chép. Đứa nào không ăn được của chua cũng thèm chảy nước miếng.
Cả xóm tôi, ai cũng khen ông tôi mát tay nên mới trồng được cây khế sai quả như thế. Mỗi khi nấu canh chua, các bà, các mẹ quanh xóm lại chạy sang nhà tôi xin vài quả khế. Chưa bao giờ nhà tôi bán khế mà chủ yếu mang cho hoặc khế chín quá thì tự rụng dưới gốc cây. Hiếm có cây khế chua nào sai quả như cây khế nhà tôi. Quả mọc từ phía dưới thân cây mọc lên, có chùm nặng trĩu, hàng chục quả lấp ló dưới tán lá xanh um. Nhờ cây khế che bóng mát mà sân nhà tôi luôn có cảm giác mát mẻ. Hạt khế lại nảy mầm, mọc lên đầy cây khế con bên dưới. Ông sai tôi nhổ những cây khế con mang về sau vườn trồng nhưng bố tôi không thích. Bố tôi đặt mua những loại cây ăn quả thật ngon như xoài cát, hồng xiêm Xuân Đỉnh, cam Cao Phong... mang về trồng ở vườn sau nhà. Bố nhổ phăng những cây khế con đi. Nghe bố phân tích về giá trị của cây ăn quả, ông tôi không tiếc mấy cây khế bị nhổ đi nữa. Còn tôi, tôi thấy bố nói đúng. Cả nhà có một cây khế to ở trước sân là đủ rồi. Nhưng bây giờ cây khế duy nhất mà bị chặt đi hay bán đi thì thật là tiếc.
Hôm sau, bố tôi đăng bài rao bán cây khế chua lên Facebook. Bao nhiêu người bình luận, khen cây khế có thế đẹp, có năm nhánh rất đặc biệt. Có mấy người tìm đến nhà hỏi mua. Họ trả gần chục triệu khiến bố mẹ tôi ngạc nhiên lắm. Bà tôi bảo:
- Thấy chưa? Cây khế chua này cũng có giá trị lắm đó. Hay là bán quách đi, mở cổng cho rộng rãi.
Ông tôi quả quyết:
- Tiền bao nhiêu tiêu chả hết. Thôi thì thuê thợ, đánh gốc cây khế trồng về sau vườn. Cổng vẫn mở rộng cho ô tô ra vào mà khế vẫn ở với nhà mình.
Nghe ông nói thế, bố mẹ tôi không dám tự tiện bán đi. Thế là cây khế chua được chuyển về sau vườn, đứng một góc, tỏa bóng mát và ra trái quanh năm. Ông tôi vui lắm. Ông bảo mỗi cái cây trong vườn nhà giống như người thân vậy. Dù khế chua không để bán, cũng không ăn được nhiều nhưng ông vẫn quý nó. Ông nâng niu, chăm sóc từng cây khiến tôi càng thêm yêu khu vườn nhà mình. Tuổi thơ của tôi luôn có bóng dáng cây khế chua thân thuộc.
VƯƠNG LÂM OANH (Lớp 8D, Trường THCS Nguyễn Trãi, huyện Nam Sách)