Nói đến cuộc chiến chống Covid-19, người ta thường nhắc đến khuyến cáo "5K" của Bộ Y tế. Thế nhưng để thực hiện "5K", theo tôi cần kèm theo một số chữ "T" nữa.
Chữ T đầu tiên chính là tự giác. Tự giác đeo khẩu trang, khử khuẩn, tự giác giữ khoảng cách, tự giác không tập trung đông người, tự giác khai báo y tế. Khi người dân không tự giác thực hiện thì "5K" vẫn chỉ là khuyến cáo trên các phương tiện truyền thông, chưa mang lại hiệu quả thực tế. Con số hơn 1.000 trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch bị xử phạt trên 1 tỷ đồng trong 3 ngày từ 19-21.2 cho thấy số người chưa tự giác phòng dịch còn khá nhiều. Cũng do chưa tự giác thực hiện không tập trung đông người, trong mấy ngày Tết Tân Sửu vừa qua, vẫn còn hiện tượng nhiều người tập trung ở quảng trường Trung tâm Văn hóa Xứ Đông. Thông tin dịch tễ của nhiều ca bệnh mới cho thấy vẫn còn hiện tượng đi chúc Tết, tập trung đông người ăn uống. Đặc biệt cũng còn khá nhiều trường hợp chưa tự giác khai báo y tế đã bị các địa phương xử phạt.
Cùng với tự giác, cần chữ T thứ hai, đó là trung thực, nhất là trong khai báo y tế. Vừa qua, việc tìm ra nguồn lây của chùm ca bệnh 4 người trong cùng 1 nhà ở phường Hải Tân có ý nghĩa rất lớn với công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP Hải Dương nói riêng và cả tỉnh nói chung. Cũng từ nguồn lây này, mới lộ ra chuyện người mắc Covid-19 đầu tiên trong 4 người này đã không khai báo khi bản thân liên quan trực tiếp đến một ca bệnh trước đó. Nhiều người không trung thực trong khai báo y tế vì không muốn bị cách ly. Một số khác lại do những vấn đề cá nhân. Trước Tết, tại Cẩm Giàng có nhiều ca bệnh liên quan đến việc đi hát tại một quán karaoke. Với nhiều người, nhất là nam giới, đi hát kèm nhân viên phục vụ nữ là một vấn đề nhạy cảm nên không muốn khai báo chi tiết này. Trong khi đó, việc đưa thông tin về lịch trình di chuyển của người mắc lên mạng xã hội cũng là con dao hai lưỡi, có thể giúp người ta biết được mình có từng tiếp xúc với người mắc hay không nhưng cũng khiến các đối tượng F0, F1 lo ngại vì thông tin cá nhân bị đưa ra trước cộng đồng. Đây cũng là một trong các lý do làm nhiều người khai báo chưa đầy đủ. Để mọi người trung thực trong khai báo y tế, ngoài việc xử nghiêm người vi phạm, cũng nên chỉ thông tin về các địa điểm cần lưu ý, tìm người đến trong thời gian cụ thể, khuyến cáo liên hệ với cơ quan y tế mà không nhắc tên người bệnh cụ thể trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.
Chữ T thứ ba trong phòng chống dịch chính là trách nhiệm. Trách nhiệm không chỉ của công dân mà còn của mỗi người trong lực lượng chức năng tham gia chống dịch. Ví dụ, với người giữ đường dây nóng về phòng chống dịch, khi tiếp nhận thông tin qua điện thoại cần có hướng dẫn cụ thể cho người gọi, không vì phải nhận nhiều cuộc gọi mà hướng dẫn qua loa cho có. Với lực lượng trực các chốt kiểm soát dịch, cần làm hết trách nhiệm trong kiểm soát người ra vào địa bàn, đo thân nhiệt, ghi chép thông tin, tránh việc hoạt động của chốt chỉ là hình thức. Trách nhiệm còn ở chỗ khi có vướng mắc phát sinh thì phải làm hết sức tìm cách giải quyết, tạo thuận lợi cho người dân. Đối với mỗi người dân, trách nhiệm là ở chỗ ngoài việc tự mình thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch còn phải vận động người thân và những người xung quanh cùng làm nghiêm, nhắc nhở, góp ý người chưa có ý thức trong phòng dịch...
Còn nhiều chữ T khác nữa như cần có tâm, sẵn sàng sẻ chia khó khăn với người ở vùng dịch, chấp nhận thiệt thòi trước mắt về kinh tế để thực hiện quy định phòng chống dịch, ủng hộ vật chất, tinh thần cho công tác phòng dịch và công tâm, khách quan khi phát ngôn, nhận xét việc thực hiện phòng chống dịch. Chữ T cũng có thể là tranh thủ thời gian vàng để dập dịch, kêu gọi các nguồn lực để phòng chống dịch...
HOÀI ANH