Chẳng ai bắt cán bộ, đảng viên phải nghèo nhưng với mức lương nhà nước hiện nay mà "giàu nhanh" là bất thường, cần phải loại ra khỏi quy hoạch nhân sự khóa mới như Tổng bí thư lưu ý.
TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế, Thanh tra Chính phủ chia sẻ với phóng viên về việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên phục vụ công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Giàu nhanh là rất đáng lưu ý
- Quy trình thực hiện kê khai tài sản đối với các nhân sự được quy hoạch, giới thiệu vào cấp ủy khóa mới được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Việc kê khai tài sản đối với nhân sự đại hội Đảng không có gì mới và đang thực hiện theo các quy định lâu nay, theo mẫu cũ. Hiện, các cấp đang thực hiện theo và không có gì vướng mắc.
Ngay bản thân tôi khi được quy hoạch làm bí thư cũng đã làm lại bản kê khai tài sản. Trong hồ sơ nhân sự được quy hoạch vào cấp ủy khóa tới có đến 11 nội dung, trong đó có bản kê khai tài sản.
TS. Đinh Văn Minh |
Chúng ta đã có quy định kiểm soát tài sản thu nhập nói chung và Quyết định 85 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, thể hiện tinh thần chung là cán bộ, đảng viên phải gương mẫu theo nguyên tắc “trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau”.
Tài sản của cán bộ, đảng viên luôn gắn với công tác cán bộ. Vì vậy, việc kê khai tài sản đối với nhân sự Đại hội Đảng sẽ do Ủy ban Kiểm tra, các cơ quan về tổ chức cán bộ hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc. Khi xảy ra vấn đề vướng mắc hay có thông tin tố cáo thì các cơ quan này sẽ xử lý.
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có lưu ý: “Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 những người kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc”. Cụ thể hóa việc này để tiến hành các bước cho công tác nhân sự được tiến hành thế nào, thưa ông?
- Trong quá trình triển khai Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng để bầu ra những cơ quan, những vị trí lãnh đạo cao nhất của đất nước, đòi hỏi những người được đề cử vừa có tâm, vừa có tầm; vừa có trí tuệ, vừa có đạo đức, đủ uy tín để lãnh đạo đất nước.
Trong đó, vấn đề về tài sản cũng có ảnh hưởng rất lớn để có thể đánh giá đạo đức, phẩm chất của một cán bộ, đảng viên. Rõ ràng trong điều kiện lương bổng nhà nước như hiện nay mà người nào đó có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất mà không giải thích được thì cũng cần xem xét thận trọng.
Tổng Bí thư dùng khái niệm “giàu nhanh” là rất đáng lưu ý. Tức là khi anh giữ vị trí lãnh đạo, tài sản của anh tăng rất nhanh, nhà đất rất nhiều, thực chất cụm từ đó đã nói lên biểu hiện không bình thường, đó cũng là căn cứ để các cơ quan nhà nước tiến hành kiểm tra, xác minh.
Tiêu chuẩn đầu tiên của cán bộ, đảng viên là phải trung thực nên khi có thông tin dư luận, việc trước tiên anh phải giải thích sao cho “nghe lọt lỗ tai” đã. Nếu anh tìm cách giấu diếm, giải thích không hợp lý về cái sự “giàu nhanh” ấy như một số người đã từng giải thích tài sản có được là nhờ “buổi tối tôi đi xe ôm” thì cái đấy không nghe được.
Nhưng cũng có thể người có tài sản đưa ra giải thích hợp lý, có cơ sở thì Đảng, nhà nước và nhân dân cũng chấp nhận. Người ta bảo “nói phải củ cải cũng nghe” cơ mà. Xã hội tinh lắm. Giải trình loanh quanh đôi khi anh có thể trốn tránh luật pháp nhưng không thể trốn tránh công luận. Nội cái chuyện ai đó bị xì xào bàn tán về chuyện như vậy đã cho thấy cán bộ đó khó có thể đủ uy tín để giới thiệu.
Để vợ con toàn đi xe sang, dùng đồ đắt tiền là thiếu gương mẫu
- Tổng Bí thư cũng có lưu ý cả những người mà bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính?
- Người nào làm cán bộ nhà nước mà vợ con toàn đi xe sang, dùng đồ đắt tiền thì vi phạm những điều mà đảng viên phải gương mẫu.
Nghị quyết Trung ương đã nói bản thân cán bộ đảng viên phải gương mẫu và cũng không được để vợ con sống xa hoa, lãng phí. Tất cả những câu chuyện ấy là người đảng viên phải thấm nhuần và nghiêm túc chấp hành, nhất là ở vị trí lãnh đạo lại càng phải gương mẫu đi đầu.
Chẳng ai bắt đảng viên phải nghèo nhưng để gương mẫu là thì cán bộ, đảng viên phải biết “vui sau cái vui của dân”, cái gì khó thì “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Thậm chí, không chỉ “tròn vai” thực hiện đúng pháp luật mà còn phải là tấm gương cho xã hội.
Chẳng hạn như có tiêu chuẩn đi xe công mà không đi, được hưởng tiêu chuẩn, lợi ích gì mà từ chối, hoặc ngược lại những gì khó khăn, thiệt thòi thì sẵn sàng nhận về phía mình thì đấy mới là thực sự là gương mẫu.
Trong các yêu cầu của Đảng về cán bộ, đặc biệt là tiến tới đại hội Đảng sắp tới, qua rất nhiều bài phát biểu, Tổng Bí thư nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải tự mình tu dưỡng, tự mình kiểm soát để tránh các biểu hiện xa hoa, lãng phí. Bởi vì làm lãnh đạo trước hết phải có uy tín mà lại có biểu hiện này, khác thì cũng cần xem xét lại, chưa nói đến việc đúng, sai.
Đặc biệt Tổng Bí thư nói đến các biểu hiện, những ý kiến phản ánh, tố cáo trước đại hội, trước khi bầu bán thì cần phải được làm rõ. Muốn biết cán bộ như thế nào thì cứ hỏi dân là biết hết.
Tất nhiên cũng phải kịp thời loại trừ những thông tin độc hại, bịa đặt và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước là phải có một thái độ rõ ràng. Cái gì đúng phải xác nhận đúng, cái không đúng phải chủ động thông tin, tránh những ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, của cán bộ.
- Vậy còn chuyện công khai, giám sát việc kê khai tài sản trong những trường hợp này thực hiện như thế nào?
- Hiện nay về mặt pháp luật thì công khai bằng hai hình thức. Một là công bố tại cuộc họp, hai là niêm yết trong các cơ quan nhà nước, công khai nơi ứng cử. Việc công khai này cũng chịu sự giám sát mang tính nội bộ.
Trong hồ sơ nhân sự có cả ý kiến của khu phố. Chúng ta đã thực hiện “đảng viên hai chiều” nên thông tin liên quan đến nhà đất, ăn ở, sinh hoạt, thái độ sống, ý thức trách nhiệm đảng viên đều được lấy ý kiến của khu phố cả.
- Để việc kê khai tài sản của các nhân sự được giới thiệu vào khóa tới đảm bảo trung thực, thực chất tránh kiểu giải trình “xây biệt phủ nhờ buôn chổi đót”, “tài sản nhiều nhờ chạy thêm xe ôm”…, theo ông người thực hiện kê khai và các cấp ủy, các cơ quan có thẩm quyền cần phải thực hiện ra sao?
- Về mặt nhận thức, các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có các cấp ủy đảng, cơ quan thanh tra, kiểm tra phải coi đấy là một việc rất hệ trọng để phục vụ cho đại hội sắp tới, đặc biệt là vấn đề về nhân sự và cần phải dành đủ thời gian và nguồn lực để làm tốt công việc này.
Khi xảy ra một thông tin phản ảnh hay nhận được một tố cáo về một người nào đó, trước hết phải lắng nghe và trân trọng tất cả các nguồn thông tin. Có thể giá trị của thông tin mức độ khác nhau, có thể đơn giản người ta chỉ thấy một hiện tượng, cao hơn nữa người ta đưa ra bằng chứng. Tất cả những cái đó, các cơ quan cần căn cứ vào quy định của pháp luật để làm sao đánh giá đầy đủ, chính xác.
Muốn vậy thì phải kết hợp với các cơ quan quản lý trong từng lĩnh vực. Ví dụ như chuyện nhà đất thì có cơ quan cấp giấy chứng nhận sở hữu, chuyện xe cộ thì có cơ quan đăng ký xe, tiền bạc thì ở ngân hàng…
Khi tiếp cận những thông tin này đòi hỏi đối tượng được xác minh phải giải trình một cách rất trung thực và đương nhiên khi họ bị xác định là không trung thực thì không còn cơ hội nào để thăng tiến nữa.
Nguyên tắc của mình là đảng viên trước hết phải tự giác, sau đấy bằng các công cụ, phương tiện, các cơ quan sẽ thu thập, xác minh để đưa ra đánh giá chính xác. Tất nhiên khi đánh giá những vụ việc này đòi hỏi phải có thái độ khách quan chứ không nên cứng nhắc, ngay cả khi có những thông tin về việc kê khai chưa chính xác.
Bởi thực tế cũng có những cái người ta cố tình che dấu, nhưng cũng có những cái do hiểu sai quy định mà kê khai không đúng, hoặc cũng có trường hợp “ngay tình” như họ có cái nhà bố mẹ để lại chưa kịp chuyển đổi thì người ta lại nghĩ là không kê khai…
Xét cho cùng thì điều quan trọng nhất là người đó phải trung thực. Cho nên chúng ta cũng đừng ám ảnh với việc nhiều tài sải hay ít tài sản mà cái chính là yếu tố trung thực trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Theo Vietnamnet