Thêm “vaccine” cho công tác cán bộ

25/08/2023 09:00

Quy định 114-QĐ/TW ngày 11.7.2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ giống như một "liều vaccine" mới cho khâu “then chốt của then chốt” trong xây dựng Đảng.

Tình trạng “cả họ làm quan” gây ra nhiều hệ lụy, như không rạch ròi giữa việc công, việc tư, cài cắm lợi ích cá nhân, gia đình... (tranh minh họa)

Cùng với mở rộng phạm vi điều chỉnh, giải thích, làm rõ hơn các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, Quy định 114-QĐ/TW tăng cường hơn nữa công tác phòng ngừa, kiểm soát việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ. Đặc biệt, Quy định 114-QĐ/TW quy định không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan, gồm: “Thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn; tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu cấp ủy đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan: nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch - đầu tư, tài nguyên - môi trường, quân đội, công an, toà án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương”.

Thực tế cho thấy tình trạng “cả họ làm quan” gây ra nhiều hệ lụy. Đó là sự không rạch ròi giữa việc công, việc tư, cài cắm lợi ích cá nhân, gia đình, dòng họ trong công việc; dễ dẫn đến kéo bè, kết phái gây mất đoàn kết nội bộ; triệt tiêu động lực, cơ hội phấn đấu của những người thực sự có năng lực, uy tín… Cùng với quan hệ gia đình, họ hàng thì tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, cá nhân chủ nghĩa sẽ gây ra nhiều hậu quả, phương hại cho công tác cán bộ. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu không có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẽ là rào cản, kéo lùi phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Ở Hải Dương đã từng có địa phương, có thời điểm gây dư luận không tốt khi có nhiều người trong họ hàng giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý quan trọng. Ở một số nơi, có những thời điểm, chính vì sự hẹp hòi bản thân, đặt lợi ích cá nhân trên lợi ích tập thể đã dẫn đến mất đoàn kết, thiếu thống nhất, ảnh hưởng xấu công việc chung... Báo cáo kiểm điểm giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã thẳng thắn đánh giá một số địa phương, đơn vị chưa gắn điều động, luân chuyển với công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; có trường hợp bố trí cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Báo cáo cũng xác định từ nay đến cuối nhiệm kỳ phải nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; siết chặt kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức; kiên quyết bố trí, sắp xếp đối với những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ…

Nhiều năm nay, sự phát triển của Hải Dương chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh vẫn là một hạn chế kéo dài và một nguyên nhân chủ quan của hạn chế trên được xác định là do vai trò, trách nhiệm, trình độ, năng lực của một số cán bộ từ tỉnh đến cơ sở chưa ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ. Hải Dương đang có một số thay đổi về cán bộ; đồng thời tập trung triển khai rà soát, bổ sung quy hoạch Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh nhiệm kỳ này và nhiệm kỳ tới; lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý. Những công việc trên rất hệ trọng, là điều kiện tiên quyết đối với sự phát triển của tỉnh hiện nay và tương lai. Quy định 114-QĐ/TW ngày 11.7.2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ chính là "vaccine" mới để phòng ngừa những căn bệnh có thể gây hại đến công việc rất quan trọng trên. 

Nhân dân kỳ vọng Hải Dương sẽ xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu đủ đức, đủ tài để lãnh đạo tỉnh phát triển nhanh hơn nữa. 

HOÀNG LONG


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thêm “vaccine” cho công tác cán bộ