Cái chúng ta cần hiện nay là hành lang pháp lý để loại bảo hiểm này phát huy được sức mạnh của mình.
Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một đề xuất nhận được sự quan tâm, bàn luận sôi nổi, đó là bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy.
Cụ thể, góp ý vào dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, VCCI đề nghị cân nhắc thu hẹp phạm vi chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới theo hướng loại trừ trường hợp xe máy.
Tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp. Ảnh minh họa
Theo phân tích của VCCI, sau hơn 10 năm thực hiện, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp. Chẳng hạn như năm 2019, theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tổng doanh thu phí bảo hiểm xe máy là 765 tỷ đồng, nhưng các doanh nghiệp chỉ bồi thường cho các vụ tai nạn 45 tỷ đồng, chiếm chưa đến 6%. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều các loại bảo hiểm bắt buộc khác như tỷ lệ chi trả bảo hiểm trách nhiệm dân sự của ô tô khoảng 33%, bảo hiểm cháy nổ 31%.
Phản ứng trước đề xuất này có nhiều luồng dư luận, nhưng sự đồng tình bãi bỏ đang chiếm ưu thế. Trên mạng xã hội cũng như bình luận dưới nhiều bài báo về đề xuất này của VCCI, có ý kiến cho rằng: "Năm nào cũng phải mua, không mua thì cảnh sát giao thông kiểm tra lại bị phạt”, “…nhiều người cũng chẳng biết tìm hãng bảo hiểm ở đâu để giải quyết, thêm nữa nhiều người cũng chẳng rảnh để đi tìm hãng bảo hiểm giải quyết. Bỏ là đúng", "Nếu đề xuất của VCCI được Bộ Tài chính tiếp thu và bãi bỏ thì người dân vô cùng phấn khởi và cảm ơn Bộ Tài chính!”… Có người còn so sánh việc đi đòi tiền bảo hiểm xe máy còn khó hơn doanh nghiệp đi đòi nợ xấu, bởi thủ tục chi trả quá rườm rà.
Bên cạnh những ý kiến đồng tình đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy, cũng có những người cho rằng bảo hiểm không có lỗi, quan trọng là hiện nó chưa được dùng vào đúng mục đích. Chỉ cần giải quyết tốt vấn đề thanh toán khi có sự cố xảy ra thì sẽ chẳng ai tiếc mấy chục nghìn mà không mua bảo hiểm…
Thực ra lâu nay, nhiều chủ xe máy mua bảo hiểm chỉ để đối phó với lực lượng công an khi bị kiểm tra bởi đây là một trong những giấy tờ phải trình ra cùng với chứng nhận đăng ký xe, giấy phép lái xe. Nhiều người mua mà có khi chẳng biết mình mua bảo hiểm của hãng nào, nếu không may xảy ra tai nạn thì phải làm thủ tục gì để được nhận bảo hiểm, khi nào thì bảo hiểm hết hạn… Có người còn cho rằng bảo hiểm này là mua cho mình, cho xe máy của mình mà không hiểu rằng thực chất loại bảo hiểm này không chi trả cho chủ xe mà chi trả cho nạn nhân (bên thứ ba) nếu chủ xe không may gây tai nạn. Điều này nhằm bảo đảm cho người bị nạn luôn nhận được quyền lợi bồi thường từ công ty bảo hiểm dù người gây ra tai nạn có điều kiện tài chính hay không. Như vậy, loại bảo hiểm này sẽ rất có ý nghĩa nếu chủ xe, người bị nạn là những người nghèo, hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề hiện nằm ở thủ tục, hồ sơ bồi thường đối với bảo hiểm xe máy đang rất rắc rối, rườm rà, gây khó khăn cho chủ xe. Thiết nghĩ, cái chúng ta cần hiện nay là hành lang pháp lý để loại bảo hiểm này phát huy được sức mạnh của mình. Thay vì bỏ loại bảo hiểm này thì nên sửa đổi lại điều kiện hưởng bảo hiểm theo hướng đơn giản hơn. Ví dụ bắt buộc công ty bảo hiểm phải chi trả cho nạn nhân khi chỉ cần có bằng chứng xe gây tai nạn đã mua bảo hiểm của họ (ví dụ qua camera ô tô, giao thông, camera nhà dân, video người đi đường, xác nhận của cảnh sát giao thông...). Như vậy bảo hiểm sẽ không phải để mục đích đối phó như hiện nay.
KIM THANH