Bình đẳng thực sự từ trong gia đình

08/03/2022 12:40

Điều cần nhất hiện nay là trong mỗi gia đình, những người có trách nhiệm, đặc biệt là nam giới cần tiến bộ lên để thấu hiểu, chia sẻ và dành sự quan tâm đúng mức cho người phụ nữ trong gia đình.

Ngày nay, cùng sự phát triển của xã hội, vai trò của phụ nữ ngày càng nâng lên. Luật Bình đẳng giới cũng nêu rõ mục tiêu là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế-xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Tuy nhiên, trong thực tế đời sống hiện nay, việc bình đẳng giữa nam và nữ vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là trong khía cạnh gia đình. Một trong những biểu hiện rõ nhất đó là việc nhiều người vẫn còn quan điểm "trọng nam khinh nữ", luôn mong muốn có con trai để "nối dõi tông đường". Từ đó đã sinh ra tâm lý lựa chọn giới tính thai nhi, dẫn đến hệ lụy mất cân bằng giới tính khi sinh theo tỷ lệ trẻ trai nhiều hơn trẻ gái. Đây cũng là một trong những thực trạng nhức nhối ở Hải Dương trong suốt nhiều năm qua khi tỉnh ta luôn đứng trong tốp đầu về mất cân bằng giới tính khi sinh.

Tiếp theo đó là việc nhiều người, nhiều gia đình luôn mặc định những công việc nhà dành cho phụ nữ. Chẳng hạn trong một gia đình cả vợ và chồng đều đi làm nhưng khi về đến nhà, chủ yếu do phụ nữ chuẩn bị cơm nước, vệ sinh nhà cửa, chăm lo con cái... Trong khi đó người chồng lại được nghỉ ngơi, hưởng thụ mọi thành quả từ việc nhà do phụ nữ mang lại.

Trong cuộc sống ngày nay chúng ta vẫn thường nghe nhiều đến chuyện bạo lực gia đình, trong đó chủ yếu là chuyện vợ bị chồng bạo hành. Sở dĩ như vậy bởi vai trò của người phụ nữ trong gia đình vẫn chưa thực sự được bình đẳng. Nhiều người chồng vẫn cậy thế mình là phái mạnh, là trụ cột lo kinh tế gia đình để "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với vợ mỗi khi có việc gì đó không vừa ý...

Những việc ảnh hưởng đến sự bình đẳng của phụ nữ như thế đã và đang diễn ra, tồn tại ở không ít gia đình. Nguyên nhân chủ yếu do nam giới chưa nhận thức đúng đắn hoặc có thái độ không chấp nhận vai trò, vị trí của phụ nữ. Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ vẫn mơ hồ về quyền của mình, từ đó không thể có cách giải quyết đúng đắn các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống có liên quan đến vai trò, vị trí về giới của mình, thậm chí là đánh đồng với tư tưởng của nam giới.

Để bảo đảm quyền bình đẳng cho phụ nữ đã có nhiều giải pháp được đưa ra. Ở phạm vi rộng thì gần đây nhất, ngày 3.3.2021, Chính phủ đã có Nghị quyết số 28/NQ-CP ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Một trong những mục tiêu được nhắc đến trong nghị quyết này là giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới; đến năm 2030 có 90% số người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện và tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; tỷ số giới tính khi sinh ở mức 111 bé trai/100 bé gái vào năm 2025 và 109 bé trai/100 bé gái vào năm 2030... Ngoài ra, các cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể, trong đó đặc biệt là Hội Phụ nữ các cấp cũng đã và đang có rất nhiều hoạt động nâng cao vai trò của phụ nữ.

Điều cần nhất hiện nay là trong mỗi gia đình, những người có trách nhiệm, đặc biệt là nam giới cần tiến bộ lên để thấu hiểu, chia sẻ và dành sự quan tâm đúng mức cho người phụ nữ trong gia đình. Bản thân người phụ nữ phải biết cách sắp xếp công việc xã hội và công việc gia đình một các hợp lý, cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và gia đình. Sẵn sàng tham vấn, nhờ sự can thiệp từ bên ngoài trong trường hợp quyền bình đẳng bị ảnh hưởng.

NGỌC THANH (TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bình đẳng thực sự từ trong gia đình