Mới đầu năm học nhưng bạo lực học đường đã nóng trong cả nước. Đây là chuyện không ai mong muốn xuất hiện trong mỗi nhà trường.
Mấy hôm trước, dư luận bàn tán xôn xao về một học sinh ở TP Hải Dương bị lớp trưởng tát không rõ lý do. Câu chuyện này đã được gia đình chia sẻ lên mạng xã hội và nhiều người biết, trong đó có con tôi. Điều khiến tôi khá bất ngờ khi con bảo vài cú đấm, một cái tát chẳng là gì so với việc các bạn gái bắt nạt nhau. Con kể một bạn gái ở lớp chỉ vì gầy và đen lại thừa một ngón tay mà bị các bạn khác kỳ thị. Giờ ra chơi hay bị trêu ghẹo, thậm chí các bạn gái trong lớp còn lập nhóm riêng nói xấu và lôi kéo nhiều bạn khác không chơi cùng với bạn gái kia. Sau 2 tuần đi học bạn ấy đã xin chuyển trường.
Bạo lực thể xác bằng những cái tát, cú đấm có lẽ dễ thấy hơn là những hành vi bạo hành tinh thần như câu chuyện con tôi kể ở trên. Bạo lực tinh thần âm thầm, dai dẳng và ít người biết đến để can thiệp. Hậu quả là người bị hại sẽ rơi vào trạng thái trầm cảm, u uất và có thể dẫn đến những hành vi không kiểm soát như câu chuyện nữ sinh của Trường THPT chuyên Đại học Vinh (Nghệ An) tự tử vì bị áp đảo tâm lý trong lớp hồi tháng tư vừa qua.
Các chuyên gia tâm lý thường gọi những hành động như tẩy chay, gây áp lực tâm lý, sỉ nhục, nói xấu… là "bạo lực trắng" hay còn gọi là bạo lực tinh thần. Theo đánh giá của các chuyên gia tâm lý thì "bạo lực trắng" ngày càng xuất hiện nhiều trong giới trẻ, cả ở trong nhà trường và trên mạng xã hội. Bạo lực tinh thần gây ra những hậu quả khôn lường đối với các em nếu không được quan tâm xử lý và ngăn chặn.
Ngăn bạo lực học đường cần làm từ sớm, từ xa, phòng ngừa tốt hơn là xử lý hậu quả. Để làm được điều này thì công tác tư vấn tâm lý trong các trường cần được quan tâm. Thực tế cho thấy phần lớn những vụ bạo lực học đường thường xuất phát từ những mẫu thuẫn, áp lực tâm lý nhỏ nhưng không được giải quyết sớm, triệt để dẫn đến những vụ đánh nhau hội đồng, những hành động thiếu chuẩn mực giữa học sinh với học sinh, thậm chí giữa cả thầy và trò.
6 năm trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 31/2017 hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Sau 6 năm, công tác tư vấn tâm lý học đường dường như vẫn chưa được chú trọng. Tại các trường học ở Hải Dương, người có thể trao đổi, chia sẻ, giải quyết những khúc mắc tâm lý cho học sinh phần lớn là giáo viên chủ nhiệm lớp. Giáo viên chủ nhiệm còn lo chuyên môn, thời gian dành nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi kỹ năng để tư vấn tâm lý cho học sinh không nhiều.
Một số trường ở Hải Dương như THPT Kim Thành, THPT Ninh Giang và một số trường THCS ở TP Hải Dương đã xây dựng được hòm thư góp ý, tổ tư vấn tâm lý, đường dây nóng… nhưng phần lớn do giáo viên kiêm nhiệm, hoạt động chưa hiệu quả.
Công tác tư vấn tâm lý học đường vẫn còn là một khoảng trống lớn bởi những khó khăn nhất định mà ngành giáo dục đang gặp phải. Các trường vẫn đang loay hoay giải bài toán thiếu giáo viên chuyên môn thì khó có thể đầu tư tuyển dụng nhân viên tâm lý. Nhiều trường muốn tuyển người phụ trách việc này cũng khó bởi hiện tại cũng không có biên chế cho nhân viên làm công tác xã hội trong trường học.
Để lấp khoảng trống tư vấn tâm lý trong học đường hiện nay, trước hết cần có sự quan tâm thích đáng của các nhà trường, sự chung tay của các bậc phụ huynh. Quan trọng hơn là một chính sách cụ thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo để sớm xây dựng những mô hình tư vấn tâm lý trong nhà trường bài bản và chuyên nghiệp. Những mô hình này được thiết lập sẽ góp phần ngăn chặn từ sớm những hành vi bạo lực học đường, đồng thời đảm nhiệm thêm vai trò giáo dục nhân cách, đạo đức cho học sinh, xây dựng những con người văn hóa, trách nhiệm, bao dung ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường.
DƯƠNG LAN