Các hộ nuôi cá lồng cần chủ động các phương án, bảo đảm an toàn cho các lồng nuôi cá trên sông, nhất là khi thời tiết thay đổi thất thường.
Các hộ nuôi cần thu hoạch tỉa cá hoặc giảm bớt mật độ lồng, bảo đảm an toàn cho các lồng nuôi. Trong ảnh: Thu hoạch cá lồng ở xã Nam Tân (Nam Sách)
Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn và chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi cá lồng vệ sinh lồng bè sạch sẽ, tạo sự thông thoáng, tăng khả năng lưu thông nước trong các lồng. Khi mực nước trên sông thấp, nước chảy kém hoặc nước tĩnh cần giảm mật độ cá nuôi trong lồng, tăng cường sục khí để bảo đảm lượng ô xy cho cá và hạn chế tác động xấu của khí độc. Hạ thấp lồng nuôi hoặc di chuyển lồng nuôi bảo đảm đáy lồng bè phải cách đáy sông 0,5m vào lúc mực nước thấp nhất; độ sâu lồng nuôi luôn ở mức 2,5-3m nước bảo đảm quy định theo Luật Đê điều, phòng chống lụt bão và giao thông đường thủy nội địa… Các hộ nuôi cá lồng cần chuẩn bị đủ các thiết bị phụ trợ như máy phát điện, máy sục khí, máy tạo oxy để hỗ trợ xử lý trong trường hợp môi trường nước thiếu oxy, nước bị đổi màu bất thường, nước đục… sau những trận mưa lớn.
Trước đó, khoảng giữa tháng 6, nhiều hộ nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy ở huyện Nam Sách bị thiệt hại. Nguyên nhân được xác định do mưa lớn kết hợp nắng nóng kéo dài làm nguồn nước thay đổi đột ngột dẫn đến cá bị thiếu ô xy.
Hiện toàn tỉnh có khoảng 559 hộ nuôi cá lồng trên sông với tổng số 7.222 lồng nuôi.
TRẦN HIỀN