Bạn có nghe trẻ em khóc

23/06/2020 09:25

Tôi bị ám ảnh bởi hình ảnh tiếng khóc trong bài hát “Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai” (nhạc sĩ Lê Mây sáng tác, phổ thơ Phùng Ngọc Hùng): “Bạn có nghe trẻ em khóc, trẻ em cười”.

Trong số những bài hát về trẻ em, tôi thích nhất bài hát “Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai” (nhạc sĩ Lê Mây sáng tác, phổ thơ Phùng Ngọc Hùng). Tôi bị ám ảnh bởi hình ảnh tiếng khóc trong bài hát ấy: “Bạn có nghe trẻ em khóc, trẻ em cười”. Nghe bài hát có thể hiểu trẻ em khóc vì trên “Trái đất vẫn chưa im tiếng bom rơi” và “bao trẻ em còn đói rách trên đời”. Hiểu nghĩa rộng hơn, trẻ em khóc bởi phải chịu đựng nỗi đau do bạo lực mà người lớn gây ra và chịu thiếu thốn trong đời sống.

Trong Tháng hành động vì trẻ em (tháng 6 hằng năm), tôi tưởng rằng luôn có nhiều thông tin tốt đẹp về trẻ em. Tháng hành động vì trẻ em năm nay có chủ đề: “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em (XHTE)”, nhưng lại chính trong tháng6 này, nhiều trẻ em phải chịu nỗi đau bạo hành. Đơn cử như ngày 10.6, hai cô giáo ở Trường Mầm non Hoa Anh Đào (TP Hải Dương) đã tát vào má, lấy dép đập vào chân, đẩy đầu nhiều trẻ. Sự việc bị phụ huynh phát giác, phản ánh và 2 cô giáo đã bị sa thải. Tại tỉnh Sóc Trăng cũng mới xảy ra vụ cha trói, đánh con ruột làm cháu bé phải nhập viện điều trị. Ở Tây Ninh, một giáo viên dạy sinh học ở Trường THCS Phước Minh, huyện Dương Minh Châu dâm ô nhiều nam sinh...

Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2015 đến hết tháng 6.2019, cả nước xảy ra 8.442 vụ với 8.709 trẻ em bị xâm hại đã được phát hiện, xử lý. Trong đó, 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục, 1.314 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác, 857 trẻ bị bạo lực, 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt. Đó là chưa kể nhiều trường hợp trẻ em bị bạo hành nhưng chưa được phát hiện, xử lý. Các vụ xâm hại tình dục chiếm 74% tổng số vụ xâm hại.

Tại Hải Dương, số liệu thống kê từ Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) năm 2019 cho thấy đơn vị này tiếp nhận, xử lý 8 vụ xâm hại tình dục trẻ em, tăng 4 vụ so với năm trước đó.

Nguyên nhân dẫn tới các vụ XHTE muôn hình vạn trạng. Về khách quan là do nhận thức của người lớn còn hạn chế. Nhiều người cho rằng đánh trẻ không phải bạo hành mà là dạy dỗ. Nhiều người khi mâu thuẫn với trẻ không kìm chế được nóng nảy dẫn tới bạo lực, hoặc xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân... Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ trẻ em còn chưa hiệu quả. Đa số trẻ em chưa nhận thức được các quyền của mình nên không lên tiếng, tìm sự giúp đỡ khi bị bạo hành…

Số lượng vụ bạo hành trẻ em nhiều, lại có xu hướng gia tăng là vấn nạn nhức nhối. Không ai khác, người lớn phải chịu trách nhiệm trong việc ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn đó. Nếu không sớm có hành động quyết liệt, hiệu quả sẽ để lại những hậu quả rất đau xót cho thế hệ tương lai của đất nước.

Để đẩy lùi, ngăn chặn XHTE đòi hỏi cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân phải cùng vào cuộc đồng bộ, kiên quyết. Trước hết cần khuyến khích sự phát hiện, tố giác, giám sát của những cha mẹ và trẻ em bị xâm hại. Sự việc ở Trường Mầm non Hoa Anh Đào được xử lý nghiêm minh do phụ huynh kịp thời phát hiện thông qua dấu hiệu bị bạo hành, quan sát từ camera đặt tại phòng học và phản ánh với các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan.

Thứ hai, tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị ở cơ sở trong bảo vệ trẻ em. Cần xử lý trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức khi để xảy ra vụ việc XHTE theo đúng tinh thần Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26.5.2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Hiện nay, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức khi để xảy ra vụ việc XHTE đang bị bỏ ngỏ.

Thứ ba, các cơ quan chức năng cần vào cuộc nhanh chóng, xử lý nghiêm minh các vụ việc XHTE và tùy theo mức độ mà có hình thức xử lý phù hợp. Các vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng cần kiên quyết xử lý hình sự.

TUẤN NGUYÊN


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bạn có nghe trẻ em khóc