Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 725 tỷ USD (17 triệu tỷ đồng) có đóng góp của ngành hải quan khi kiểm soát hàng nhập để thu thuế và rộng đường cho hàng xuất khẩu.
Còn 10 triệu đồng là ngưỡng giá trị hành lý mang theo của cá nhân được miễn thuế khi nhập cảnh. Số này quá nhỏ nhưng là nguồn cơn bức xúc của người nhập cảnh (người đi nước ngoài về, kiều bào), thậm chí lùm xùm không đáng có với ngành hải quan.
Mới đây có vụ một Việt kiều nhập cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) "tố" nhân viên hải quan vòi vĩnh vì cho rằng người này mang hành lý quá mức được miễn thuế. Theo thông báo sau đó của hải quan sân bay thì không có vòi vĩnh, chỉ là "lời nói chưa chuẩn mực".
Quan sát nhiều năm cho thấy ngành hải quan đã có kinh nghiệm giải quyết để nhanh chóng khép lại những vụ lùm xùm. Nhưng như vậy, bệnh cũ còn đó, người nhập cảnh còn lắm bức xúc và làm méo mó hình ảnh viên chức hải quan trong mắt người dân.
Lẽ ra, sau những lùm xùm, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan phải xem lại quy định quản lý thuế ở sân bay.
Tại đây, khách sau chuyến bay dài muốn sớm rời khỏi sân bay, rất sợ bị hải quan gọi lại. Trong khi có nhiều người mang hành lý "chông chênh" ở ngưỡng 10 triệu đồng. Được miễn hay phải nộp thuế ranh giới thật mỏng manh.
Nhiều người nói, nhân viên hải quan giờ không vòi vĩnh, nhưng có người chỉ nói bâng quơ, như "sao mang về nhiều thế", là bà con đã "lên ruột" rồi.
Nhiều kiều bào tiếng Việt không suôn sẻ, nói chi là hiểu pháp luật về hải quan nên nghe viên chức hải quan dẫn nghị định, thông tư là "lùng bùng".
Rồi ngồi cả ngày trên máy bay, giờ chỉ còn cách người thân vài chục mét đang chờ bên ngoài, trong môi trường ấy, dễ nảy sinh những hành vi xấu. Và họ truyền tai nhau kinh nghiệm qua hải quan cho nhanh. Thực hư thế nào chưa rõ, nhưng "kinh nghiệm" ấy cứ lan truyền, bất kể nỗ lực cải cách thu thuế của hải quan.
Nghĩa vụ thuế phải bình đẳng. Chống thất thu thuế là không tranh cãi. Nhưng làm cho mọi người tâm phục khẩu phục, viên chức hải quan đừng "có lời nói chưa chuẩn mực" là trách nhiệm của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan.
Phải thừa nhận, không ít người tranh thủ đi nước ngoài mua hàng về để kiếm thêm. Bà con về nước cũng mang hàng quá tay.
Nhưng nổi cộm là các tay buôn hàng núp bóng hành lý, là đối tượng mà ngành hải quan phải tập trung chống thất thu với quy trình tinh tế, chặt chẽ thay vì cử nhân viên hải quan ngồi máy soi hành lý của người nhập cảnh để tìm hành lý có giá trị trên 10 triệu đồng.
Thật khó coi khi ở sân bay quốc tế hành khách đã lấy hành lý khỏi băng chuyền lại phải khệ nệ khiêng chất vào máy soi, rồi lại vất vả lấy khỏi máy soi.
Ngành hải quan có nhiều kinh nghiệm chống thất thu thuế và đã "đầu tư lớn" để tạo minh bạch, giảm giao tiếp giữa nhân viên hải quan với doanh nghiệp, rồi luồng xanh, luồng đỏ... Vậy tại sao chuyện thu thuế hàng hóa núp bóng hành lý ở cửa khẩu lại quá thủ công, còn nhiều giao tiếp giữa nhân viên hải quan và hành khách...
Ngưỡng 10 triệu đồng và thuế thu được của cá nhân chẳng là gì so với kim ngạch xuất nhập khẩu trên 700 tỷ USD.
Nhưng đằng sau cách quản lý thuế người nhập cảnh là hình ảnh đất nước trong lòng kiều bào, của hàng triệu người dân đi nước ngoài, là hình ảnh và sự gương mẫu của viên chức hải quan.
Vì thế cách thu thuế ở sân bay là chuyện rất lớn, Bộ Tài chính không thể lơ là như những năm qua.
Theo Tuổi trẻ