Để có mối quan hệ hòa thuận giữa mẹ chồng-nàng dâu, cần phải thiết lập ranh giới, đặc biệt khi bạn có con nhỏ.
1. Thể hiện cảm xúc từ sớm
Khi bạn ở riêng và sinh con, mẹ chồng muốn đến thăm cháu thường xuyên cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, không phải bất cứ thời gian nào cũng là lý tưởng cho những cuộc viếng thăm. Con trẻ có những khung giờ sinh hoạt nhất định. Những chuyến thăm bất thình lình của bà sẽ khiến cuộc sống của trẻ bị xáo trộn.
Hãy thẳng thắn nói rõ điều này với mẹ chồng. Sẽ là tốt nhất nếu hai người bắt đầu cuộc trò chuyện và bạn giải thích cho mẹ chồng lý do tại sao không nên đến thăm bất cứ khi nào bà muốn. Tốt nhất nên thiết lập một lịch trình phù hợp và cho chồng cũng như mẹ chồng biết về điều đó. Dù bạn quyết định thế nào, bạn cũng nên nói với mẹ chồng một cách khéo léo và mong bà làm theo.
2. Chia việc cho chồng
Khi có con, người chồng cũng thường dành nhiều thời gian hơn cho gia đình như giúp vợ việc nhà hay chăm con. Trong nhiều trường hợp, con trai sẽ nhận được gợi ý từ mẹ, việc nào nên làm và việc nào không nên làm... Bởi vậy, những gì mẹ chồng nói có thể hoàn toàn khác với những mong muốn của người vợ.
Để tránh xung đột, hai vợ chồng cần thảo luận để biết chính xác những gì cả hai cần phải làm liên quan đến gia đình và con cái. Việc phân công công việc cụ thể cho cả hai mà không có sự can thiệp từ bên ngoài sẽ không tạo ra bất kỳ hiểu lầm và cảm giác khó chịu nào. Cũng nên nói chuyện thẳng thắn với mẹ chồng về việc này, khi không muốn bà can thiệp quá sâu vào cuộc sống gia đình con.
3. Đừng cạnh tranh với mẹ chồng
Bất kỳ bà mẹ nào cũng nghĩ họ hiểu và yêu con trai mình hơn bất kỳ ai trên đời. Đó là lý do tại sao họ thường phản đối con dâu trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên không vì thế mà con dâu cạnh tranh với mẹ chồng.
Người chồng cũng là nguyên nhân gây ra bất hòa giữa mẹ chồng và nàng dâu, vì cả hai đều muốn anh ấy là của riêng mình. Bởi vậy, nên lấy lòng mẹ chồng trước khi muốn thay đổi bất kỳ thứ gì trong gia đình, nếu bạn chưa ở riêng. Nếu khăng khăng chứng tỏ bạn mới là chủ căn nhà thì mẹ chồng chắc chắn sẽ phật lòng. Đừng bao giờ cư xử với mẹ chồng như một đối thủ. Sẽ tốt hơn nữa nếu bạn khuyến khích chồng dành nhiều thời gian hơn cho bố mẹ chồng. Điều đó sẽ khiến mẹ anh ấy yên tâm hơn rằng mối quan hệ của họ sẽ không phai nhạt.
4. Đừng ngại từ chối
Từ chối thẳng thừng lời đề nghị của mẹ chồng là cách làm thiếu khôn ngoan của các nàng dâu. Đặc biệt, đối với những bà mẹ chồng khó tính, việc nói “không” sẽ dẫn đến với những ngày tháng vô cùng khó thở. Tuy nhiên cũng phải học cách từ chối khéo léo khi không muốn mẹ can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của hai vợ chồng.
Ví dụ, không muốn mẹ chồng chăm cháu, có thể nói chuyện với bà bởi khoảng cách giữa hai thế hệ là điều mà nàng dâu nào cũng nhận ra khi bắt đầu nuôi con cùng với mẹ chồng. Có nhiều điều, với ông bà là đúng nhưng với bố mẹ hiện đại lại không khoa học. Tình cảm ông bà dành cho con cháu rất đáng trân trọng nhưng nếu không đồng ý vẫn phải từ chối, nhưng cần nói chuyện tế nhị, tránh người già phật lòng.
5. Trị liệu gia đình
Nếu những điều trên không có tác dụng và mẹ chồng vẫn xông vào cuộc sống của bạn bất cứ khi nào bà muốn, nên xem xét liệu pháp nhóm. Bạn cũng có thể để chồng mình làm điều đó.
Người đàn ông là người hiểu rõ hơn ai hết cách nói chuyện với mẹ mình và lời nói của anh ấy cũng sẽ dễ dàng được tôn trọng hơn lời nói của bạn.
Theo VnExpress