Quên làm sạch các vật dụng như chổi, thùng rác, miếng rửa bát... sẽ khiến chúng tích tụ vi khuẩn, gây hại cho sức khỏe.
1. Túi tái sử dụng
Túi tái sử dụng rất thân thiện với môi trường. Tuy vậy, dù dùng để đựng thức ăn chín hay sống, ít người có suy nghĩ phải giặt sạch chúng sau mỗi lần sử dụng. Vi khuẩn tồn tại trong túi vì thế sinh sản nhanh, bám vào thực phẩm tươi mới gây hỏng hoặc ngộ độc.
Thường xuyên giặt túi tái sử dụng với xà phòng để loại bỏ vi khuẩn. Có thể cho chúng vào túi lưới trước khi đặt vào máy giặt hoặc giặt bằng tay dưới vòi nước. Trước khi đựng thịt tươi sống, nên bỏ hết những vụn bẩn bên trong, tránh bám vào miếng thịt.
2. Tay cầm nắp nồi
Nắp nồi thường được rửa giống như nhiều dụng cụ nhà bếp khác, mà ít ai chú ý đến tay cầm có các rãnh nhỏ-nơi tích trụ nhiều chất cặn bã khi nấu nướng. Nếu không được cọ rửa sạch sẽ, những rãnh nhỏ là nơi vi khuẩn sinh sôi và gây hại nếu chúng tiếp xúc trực tiếp với tay hoặc thức ăn.
Để làm sạch tay cầm nắp nồi, cần ngâm chúng trong nước ấm có pha chút giấm. Cách làm này sẽ loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn gây hại.
3. Lưới lọc
Dụng cụ này sau khi được sử dụng thường được rửa sơ qua. Tuy vậy nó có những lỗ nhỏ nên cần được làm sạch kỹ càng và cẩn thận hơn.
Sau mỗi lần sử dụng, nên ngâm lưới lọc 15 phút với nước tẩy rửa. Tiếp đó, xả trực tiếp dưới vòi nước đang chảy và cọ rửa bằng bàn chải chuyên dụng. Có thể thay thế bằng bàn chải đánh răng cũ đã được khử trùng sạch sẽ.
4. Máy xay thịt
Dưới lưỡi dao máy xay, bạn sẽ chẳng biết được có bao nhiêu cặn bã tích tụ. Bởi vậy, cách tốt nhất để làm sạch máy xay thịt là đặt vào bát nước ấm có pha ít nước rửa bát. Bước tiếp theo là bật máy xay lên, cặn bã sẽ cuốn theo dòng nước.
Bước cuối là rửa sạch phần dao trực tiếp dưới vòi nước cùng các bộ phận tháo rời, trừ động cơ máy.
5. Nóc tủ trữ đông, tủ đựng bát đĩa và tủ lạnh
Mỗi khi dọn bếp, mọi người thường có xu hướng lau dọn những chỗ mình nhìn thấy, thường bỏ qua nóc tủ. Không ai nghĩ rằng, bụi bẩn và vi khuẩn tích tụ trên nóc có thể bám trực tiếp vào thực phẩm khi chúng ta lấy đồ từ tủ ra.
Khi lau dọn, cần làm sạch nóc tủ như tủ lạnh, tủ trữ đông, tủ đựng bát đĩa... Dùng khăn sạch kèm theo chút nước tẩy rửa, mọi thứ sẽ lại bóng loáng.
6. Chổi
Rất nhiều bụi bẩn và tạp chất thường mắc kẹt giữa những sợi lông của chổi. Đó có thể là rác, tóc, bụi và nhiều thứ không tên khác.
Một cách để giữ chổi luôn sạch sẽ là dùng tay loại bỏ bụi bẩn bám trên bề mặt. Bạn có thể đeo găng tay hoặc dùng túi nilong một lần để bọc tay trước khi thực hiện. Sau đó, nhúng chổi vào một chậu nước ấm có pha xà phòng, giặt sạch rồi để khô.
7. Cây lau nhà
Giống như chổi, cây lau nhà là dụng cụ cần làm sạch dễ bị bỏ quên nhất. Nguyên nhân là do cây lau nhà thường nhúng vào nước, nên nhiều người nghĩ bản thân nó đã sạch. Tuy nhiên, vì thường xuyên bị ẩm nên dụng cụ này là nơi lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi.
Sau khi sử dụng xong, nên giặt sạch cây lau nhà bằng xà phòng và nước. Có thể thêm chút thuốc tẩy vào nước giặt rồi phơi khô đúng cách. Với hai bước đơn giản này, chúng sẽ được làm sạch và không có mùi khó chịu.
8. Thùng rác
Thùng rác là nơi sinh sôi của nhiều loại vi khuẩn, vi trùng gây hại. Việc thay túi rác hàng ngày chưa đủ để giữ vệ sinh.
Thường xuyên cọ thùng rác bằng xà phòng và chất khử trùng. Cách làm này không chỉ loại bỏ mùi hôi mà còn diệt được vi khuẩn tích tụ lâu ngày, ẩn náu trong thùng rác. Rửa tay sạch sau khi thực hiện công việc này.
9. Bọt biển rửa bát
Bọt biển rửa bát là một trong những nguồn lây lan vi khuẩn chính trong bếp, do chúng thường xuyên tiếp xúc với thức ăn và nước uống. Để đảm bảo vệ sinh, nên thường xuyên thay cái mới.
Trong thời gian sử dụng, cũng nên thường xuyên vệ sinh vật dụng này. Ngay sau khi dùng rửa bát đũa, giặt sạch bọt biển bằng xà phòng hoặc sản phẩm khử trùng. Bằng cách này, lần sau khi rửa bát, chúng sẽ không để lại dấu vết của bụi bẩn và vi khuẩn.
10. Rãnh của nĩa (dĩa)
Việc làm sạch khoảng trống nhỏ giữa những đầu nĩa theo cách phổ thông chưa khi nào dễ dàng. Để loại bỏ cặn bẩn trên những tiết diện nhỏ như thế này, nên ngâm chúng vào một ít nước ấm pha chút giấm. Sau đó xả sạch dưới vòi nước.
11. Tay nắm cửa
Vì tay nắm thường xuyên tiếp xúc với tay người nên tích tụ mồ hôi và bụi bẩn. Nếu không vệ sinh thường xuyên sẽ là nơi ẩn nấp lý tưởng cho vi khuẩn gây bệnh.
Để làm sạch tay nắm cửa, nên dùng khăn ẩm lau sạch phần ngoài, không nên bôi sản phẩm làm sạch vào phía trong, có thể gây hỏng ổ khóa.
12. Giá cài dao
Những hốc nhỏ đựng dao có thể chứa nhiều bụi bẩn. Để làm sạch giá cài dao, phải đổ hết bụi bẩn bên trong ra ngoài, rửa sạch với nước rửa bát rồi để khô hoàn toàn. Cách làm này sẽ không làm bẩn thực phẩm khi dùng dao để cắt.
Theo VnExpress