Đệm là vật dụng con người tiếp xúc và sử dụng hàng ngày, có thể chứa nhiều vi khuẩn, bụi bẩn và rất cần được vệ sinh thường xuyên.
Nhưng giặt đệm là công việc khiến nhiều người ngại làm bởi sự cồng kềnh, khó thao tác và tốn nhiều thời gian. Có một số mẹo làm sạch đệm không cần phải giặt.
Hút ẩm trên đệm
Đệm có thể bị ướt vì nhiều lý do khác nhau. Để xử lý đệm bị ẩm ướt bạn có thể dùng baking soda (muối nở) - một loại bột trắng không mùi và không độc hại, có khả năng hút ẩm hiệu quả cũng như khử mùi hôi tốt.
Với đệm mút (foam)
Tháo lớp vỏ bọc ngoài đệm, rắc một lớp baking soda, để thấm đều vào bề mặt sau đó dùng máy hút bụi làm sạch.
Phơi đệm ở nơi khô ráo, thoáng mát và nên phơi dưới ánh nắng dịu nhẹ.
Bạn có thể trộn baking soda với nước rồi xịt lên vết bẩn trên đệm đến khi hỗn hợp bay hơi hết rồi lau lại bằng khăn sạch. Muốn đệm có mùi thơm, có thể dùng thêm nước hoa.
Với đệm lò xo
Đệm lò xo là loại đệm bằng sợi thép đàn hồi và được bọc bởi lớp mút và lớp đệm.
Tách lớp vỏ đệm khỏi lớp đệm lò xo. Dùng một lượng vừa đủ baking soda hòa tan với nước và xịt lên các vị trí đệm bị ướt. Đợi 25-30 phút để hỗn hợp thấm vào đệm. Cuối cùng sử dụng máy sấy làm khô đệm.
Với đệm bông ép
Đệm bông ép có khả năng thấm hút nước rất nhanh, vì vậy khi phát hiện bị ướt, cần nhanh chóng tháo lớp áo đệm ra và chuẩn bị cho quá trình làm khô.
Dùng khăn khô ấn mạnh để hút hết nước trong đệm. Đem đệm phơi khô ở những nơi sạch sẽ, thoáng mát, tránh phơi ở nơi có nhiệt độ cao và có ánh nắng mặt trời gay gắt.
Nếu đệm bị ướt do chất lỏng có mùi, có thể dùng cồn 90 độ xịt lên chỗ có vết bẩn và để trong một, hai giờ. Khi cồn khô, dùng tinh dầu thơm vẩy lên vị trí đệm bị ướt để khử mùi rồi phơi ở nơi thoáng gió hoặc sấy khô.
Với đệm cao su
Khác với đệm lò xo hay đệm bông ép, đệm cao su bị ướt sẽ không thấm sâu. Nhờ đó, có thể xử lý theo cách dưới đây.
Lấy ga ra khỏi đệm. Sử dụng một lượng phấn rôm vừa đủ rắc lên bề mặt chỗ bị ướt của đệm để hút ẩm. Sau đó sử dụng máy hút bụi để hút phấn rôm.
Dùng quạt làm khô đệm, không nên dùng máy sấy vì sẽ tạo ra nhiệt độ cao dễ làm hư hỏng đệm. Nếu không có quạt, có thể phơi đệm ngoài trời ở nơi khô ráo, sạch sẽ và thoáng mát.
Mẹo xử lý vết bẩn khác trên đệm
Giấm trắng tẩy nước tiểu
Nếu đệm dính nước tiểu thì giấm trắng có tác dụng hiệu quả.
Xịt giấm trắng nguyên chất tại vị trí dính nước tiểu và để yên khoảng một giờ, sau đó dùng khăn lau sạch bằng cách ấn vào vết nước tiểu trên đệm (không lau xung quanh để tránh vết bẩn lan rộng).
Dùng bàn chải đánh răng để loại bỏ vết bẩn còn lưu lại, sau đó sấy khô hoặc phơi ở nơi thoáng gió.
Tẩy vết máu bằng oxy già
Nếu có vết máu đã khô trên đệm, xịt oxy già y tế nồng độ 3%. Khi hoạt chất sủi bọt, dùng khăn màu trắng khô lau sạch lại.
Với vết máu mới, có thể xịt nước lạnh và để yên 10 phút. Dùng khăn nhúng vào xà phòng để lau sạch vết bẩn. Tiếp đó dùng khăn khô lau sạch bọt xà phòng và phơi đệm ở nơi thoáng gió.
Cách bảo quản đệm
Để tránh rắc rối không nên bỏ lớp vỏ bảo vệ của đệm. Làm như vậy rất có thể khiến đệm nhanh bị ẩm mốc, sinh sôi vi khuẩn do kín khí, ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng.
Khi không sử dụng, cần đặt đệm ở nơi thoáng khí để giúp thông thoáng và khô ráo, tránh tình trạng ẩm mốc khiến vi khuẩn phát triển, ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng. Bên cạnh đó, đặt đệm ở nơi thoáng đãng cũng giúp cho mùi hôi và bụi bẩn được thoát ra ngoài, giúp cho đệm luôn sạch sẽ và dễ chịu khi sử dụng.
Nếu đệm có thể sử dụng được cả hai mặt nên thường xuyên xoay và lật đệm 2-3 tháng một lần. Với những loại đệm sử dụng một mặt chỉ cần xoay chiều là đủ. Việc làm này tránh tình trạng đệm bị cao thấp không đồng đều.
Làm sạch và vệ sinh đệm định kỳ là cách chăm sóc, bảo quản bền lâu. Nếu đệm quá cũ, không còn các tính năng hỗ trợ giấc ngủ như đàn hồi, thông thoáng thì cần thay đệm mới.
ĐH (theo VnExpress)