Thanh Hà nỗ lực giảm nghèo

11/12/2020 17:01

Những giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cho vay vốn phát triển sản xuất… đã giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần quan trọng giúp Thanh Hà giảm nghèo nhanh.


Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hải Dương ở xã Hồng Lạc tạo việc làm ổn định cho gần 100 công nhân với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng

Thanh Hà đang được đánh giá là địa phương có tốc độ giảm nghèo nhanh thứ 2 trong tỉnh (sau huyện Gia Lộc).

Phát huy thế mạnh

Từ chỗ chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, hiện xã Hồng Lạc chuyển dần sang kinh doanh, dịch vụ và đã có nhiều bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy lợi thế cận lộ, các hộ dân ven đường 390 B thuộc địa bàn xã phát triển mạnh các loại hình kinh doanh dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân địa phương và khách qua đường. Hồng Lạc còn thế mạnh ở gần các khu công nghiệp Nam Sách (TP Hải Dương), Lai Vu (Kim Thành) nên đã chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp. Một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn cũng tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Xã hiện có hơn 3.500 lao động làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Bình quân mỗi tháng số lao động này có thu nhập ổn định khoảng 30 tỷ đồng. 

Hồng Lạc còn duy trì hơn 300 ha diện tích trồng lúa nếp cái hoa vàng vụ mùa, thường cho giá trị cao gấp rưỡi lúa tẻ. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, địa phương đã quy hoạch một số khu dân cư mới nên nhiều hộ nghèo, cận nghèo được đền bù, hỗ trợ tái định cư và thoát nghèo. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 62 triệu đồng/năm, tăng hơn 30 triệu đồng so với năm 2015. Xã còn 42 hộ nghèo, chiếm 1,27%; 39 hộ cận nghèo, chiếm 1,18% tổng số hộ. Ông Vũ Xuân Hào, Chủ tịch UBND xã Hồng Lạc cho biết giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương. 

Kể từ năm 2015 đến nay, xã Thanh An đã có 79 hộ thoát nghèo và 106 hộ thoát cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn 1,55%, hộ cận nghèo 1,16%. Để đạt được kết quả đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thanh An đã quyết tâm đẩy lùi cái nghèo bằng cách chuyển diện tích canh tác lúa không năng suất sang trồng cây ăn quả có giá trị cao. Từ năm 2015 đến nay, nhân dân trong xã đã chuyển đổi hơn 70 ha đất lúa sang trồng ổi, sắn dây, bưởi... Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể tích cực tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ cây con, giống mới cho hộ nghèo phát triển kinh tế. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Thanh An đạt hơn 53 triệu đồng/năm. 

Những cách làm như của Hồng Lạc, Thanh An và các địa phương khác đã giúp Thanh Hà giảm dần hộ nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Đến tháng 12.2020, toàn huyện còn 875 hộ nghèo (chiếm 1,72%), giảm 3.880 hộ (giảm 7,39%); số hộ cận nghèo còn 956 (chiếm 1,88%), giảm 1.541 hộ (2,91%) so với năm 2015. 


Đời sống của người dân ở xã Thanh An được nâng cao nhờ chuyển đổi cây trồng

Hỗ trợ kịp thời

Thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, UBND huyện Thanh Hà đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể, bám sát chỉ đạo của Trung ương và tỉnh. Mục tiêu đầu tiên được đặt ra là bảo đảm thực hiện tốt chính sách an sinh và phúc lợi xã hội của huyện, đặt ra chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm. Huyện thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống cho người nghèo, cận nghèo.

Đến nay có khoảng 20.000 lượt người nghèo ở huyện được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Hàng nghìn học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được miễn, giảm học phí. Hơn 10.000 lượt hộ nghèo ở huyện được hỗ trợ tiền điện. Hằng năm, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể đều phát động phong trào hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo như xây, sửa nhà. Năm 2020, Ủy ban MTTQ, UBND huyện đã hỗ trợ xây dựng hơn 130 ngôi nhà cho người nghèo. Người nghèo, cận nghèo được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp. Giai đoạn 2016-2020, Thanh Hà đã trích ngân sách hỗ trợ 2,4 tỷ đồng cho người dân, trong đó đa số là hộ nghèo phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Huyện đã trích nguồn vốn ủy thác từ ngân sách huyện sang Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 600 triệu đồng cho người nghèo vay phát triển kinh tế. 

Ông Ngô Bá Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết ngoài các nhiệm vụ cụ thể giảm nghèo, quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã tạo ra một bước ngoặt, thay đổi mọi mặt đời sống của người dân. Trong nông nghiệp đã dần hình thành các vùng chuyên canh, liên kết sản xuất nâng cao giá trị hàng hóa nông sản. Hệ thống đường giao thông được quan tâm xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, buôn bán. Bên cạnh đó, việc quy hoạch, xây dựng các khu dân cư mới cũng góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người dân.

MINH NGUYỆT 

(0) Bình luận
Thanh Hà nỗ lực giảm nghèo