Lưu ý khi xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ vào châu Âu

30/12/2017 14:42

Thị trường châu Âu yêu cầu nhập khẩu nghiêm ngặt, do đó doanh nghiệp cần chú ý đến các quy định được áp dụng riêng cho một số loại sản phẩm:

Sử dụng hóa chất

Keo: Trong quá trình chế tác, rất nhiều bộ phận của sản phẩm được gắn, liên kết với nhau bằng keo dán. Với các sản phẩm từ mây, tre… keo được sử dụng rất nhiều để dán, ép các thành phần lại với nhau. Có nhiều loại keo khác nhau trên thị trường, có thành phần phức tạp và có thể chứa các chất cấm sử dụng tại EU như formaldehyde. Trường hợp sản phẩm có sử dụng keo chứa formaldehyde sẽ bị cấm nhập khẩu vào châu Âu. Vì vậy, trước khi mua keo, doanh nghiệp cần tiến hành thử nghiệm tại các phòng thí nghiệm uy tín, bảo đảm keo dán tuân thủ các yêu cầu của thị trường này.

Chất chống mốc/mọt: Do nhiều vật liệu chế tác được lấy từ thiên nhiên như mây, tre, gỗ… nên các hóa chất chống mốc, mọt được sử dụng rất rộng rãi. Nhiều hóa chất chống mốc thuộc nhóm Chlorinated Phenol (Pentachlorophenol - PCP, Tetrachlorobenzen - TeCP, Trichlorobenzen - TCP ) bị cấm và kiểm soát rất chặt chẽ khi xuất  hàng vào thị trường châu Âu. PCP thuộc nhóm hóa chất cực độc và gây ung thư. Các hóa chất này bị hạn chế tại một số quốc gia như Ðức, Thụy Sỹ, Ðan Mạch.

Sơn và phẩm màu: Quá trình trang trí, bảo quản… trên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thường sử dụng rất nhiều phẩm màu, sơn… Ðây là một trong những nguồn có thể gây hại đến người tiêu dùng và đòi hỏi việc kiểm soát chất lượng hết sức nghiêm ngặt

Những chất nên kiểm tra

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ được sản xuất từ nhiều nguồn nguyên liệu và mỗi loại nguyên liệu có thể có một nguồn rủi ro khác nhau và cần phải được  kiểm tra riêng.

Rất nhiều sản phẩm có thể sử dụng với nhiều mục đích, ví dụ như bát bằng tre, gỗ có thể sử dụng làm đồ trang trí nhưng cũng có thể sử dụng đựng bánh hay trái cây. Với những sản phẩm này, các nước châu Âu yêu cầu việc kiểm soát chất lượng không chỉ áp dụng theo tiêu chuẩn của vật trang trí mà còn theo các quy định của vật liệu tiếp xúc với thực phẩm nên các yêu cầu như độ thôi nhiễm màu, thôi nhiễm hóa chất, thôi nhiễm mùi, tổng thôi nhiễm… cũng phải được kiểm soát chặt chẽ.

LAN ANH (tổng hợp)

(0) Bình luận
Lưu ý khi xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ vào châu Âu