Chiều 12/4, tại Lào Cai, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tháng 3/2024 với chủ đề “Xúc tiến thương mại thúc đẩy thương mại biên giới”.
Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia.
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh: Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, có tiềm năng phát triển lớn. Với hơn 5.000km đường biên giới chia sẻ với Trung Quốc, Lào và Campuchia, nằm ở vị trí trung tâm khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế, điều kiện chiến lược để kỳ vọng vươn lên trở thành trung tâm giao thương trong khu vực, trở thành cửa ngõ kết nối thương mại quan trọng giữa các quốc gia láng giềng và các nước trong khu vực Đông Nam Á nói riêng với các nền kinh tế phát triển trên thế giới nói chung.
Để thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ trên toàn tuyến biên giới đất liền, Chính phủ Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại biên giới với Chính phủ các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia và lần lượt ký các hiệp định, thỏa thuận quan trọng liên quan khác về kiểm dịch, chất lượng hàng hóa, thanh toán...
Đến nay quy mô trao đổi hàng hóa qua tất cả các cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới đất liền đã đạt hàng chục tỷ USD mỗi năm, góp phần rất quan trọng vào tăng trưởng của thương mại song phương, vào phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh biên giới và đặc biệt là giúp cải thiện rất nhiều đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng biên giới.
Thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới đất liền sang 3 thị trường Trung Quốc, Lào và Campuchia đạt 50,38 tỷ USD, tăng 52,2% so với năm 2022, chiếm 27,68% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương với 3 thị trường; kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền 2 tháng đầu năm 2024 là 8,44 tỷ, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 28,88% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương với 3 thị trường.
Dù vậy, thương mại qua biên giới vẫn gặp nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Mai Linh, Trưởng Phòng Thuận lợi hóa thương mại, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, thương mại biên giới toàn tuyến biên giới đất liền vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế..., cần khắc phục. Hệ thống logistics vẫn còn một số vấn đề như khó khăn trong khai thác đường sắt với Trung Quốc do chưa đồng bộ về khổ đường ray; hệ thống sông dốc, nhiều đá ngầm khi khai thác vận tải; chưa có trung tâm logictics với đầy đủ các chức năng cơ bản. Do đó, dẫn đến chi phí dịch vụ logictics còn cao, tính liên kết giữa các vùng, các doanh nghiệp gặp nhiều hạn chế.
Đối với tuyến biên giới giáp Lào, việc phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là xây dựng các tuyến đường kết nối tới cửa khẩu, tuyến đường liên huyện tại một số khu vực còn chậm và chưa tương xứng với nhau, chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu của hoạt động mua bán, trao đổi, lưu thông hàng hóa tại khu vực biên giới.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Linh, hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc chủ yếu là nông sản, trái cây. Đồng thời, số lượng chủng loại nông sản, trái cây được xuất khẩu cũng rất hạn chế so với tiềm năng sản xuất, chế biến nông sản, trái cây của Việt Nam. Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản chưa được ký Nghị định thư về kiểm dịch nên phải kiểm tra thực tế 100% lô hàng, ảnh hưởng đến thời gian thông quan.
Còn tuyến biên giới giáp Lào, hàng hóa sản xuất có quy mô nhỏ, phần lớn là nguyên liệu chưa qua chế biến, mang tính thời vụ, không ổn định, số lượng mặt hàng còn ít, giá trị thấp, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung, chưa áp dụng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ.
Đối với tuyến biên giới giáp Campuchia, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia có cơ cấu tương đồng với hàng hóa của Thái Lan, Trung Quốc và chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, mẫu mã và giá cả.
Bà Nguyễn Thị Mai Linh cho hay, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động thương mại biên giới đều không ưu tiên lựa chọn hình thức xuất nhập khẩu chính ngạch là mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính,...Cùng với đó, một số cửa khẩu phụ, lối mở chưa được khôi phục hoạt động trở lại kể từ khi phát sinh dịch COVID-19, dẫn đến nhiều khó khăn trong hoạt động trao đổi hàng hóa giữa cư dân biên giới và nhu cầu giao thương của doanh nghiệp hai bên…
Đại diện Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) cho biết, Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của Hiệp định ACFTA và RCEP, do vậy đa số các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đều được hưởng ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu 0%.
Tuy nhiên, hạ tầng cửa khẩu và hạ tầng giao thông kết nối đến cửa khẩu chưa được phát triển đồng bộ cùng thói quen giao dịch của các chủ hàng, dẫn đến việc hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là hàng nông sản quá tập trung vào một số khu vực cửa khẩu nhất định, tiềm ấn rủi ro ùn tắc khi vào cao điểm thu hoạch. Cùng với đó, công tác đàm phán, ký kết Nghị định thư cho một số loại trái cây được xuất khẩu chính thức vào Trung Quốc theo diện thương mại truyền thống còn chậm, nên vẫn phải thực hiện kiểm dịch 100% trong quá trình thông quan, làm giảm hiệu suất và tăng thời gian thông quan.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh cho biết, doanh nghiệp cần chủ động kết hợp với các đối tác nhập khẩu trong việc xây dựng, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và các sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp mình bên cạnh việc nắm vững và đáp ứng tốt các yêu cầu về kiểm dịch, chất lượng của thị trường Trung Quốc.
Cùng với đó, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kênh trao đổi trực tiếp với các Thương vụ trên cơ sở nắm rõ nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp địa phương. Đồng thời, có sự phối hợp hiệu quả với các Thương vụ trong quá trình kết nối doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài với doanh nghiệp xuất khẩu tại địa phương.
Doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu kỹ các ấn phẩm hoặc cẩm nang mặt hàng, ngành hàng do Bộ Công thương xây dựng để có cái nhìn tổng quát về thị trường, từ đó xây dựng định hướng xuất khẩu dựa trên nhu cầu thực tế của địa phương. Chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp trong tiếp thị sản phẩm, đặc biệt là trong các hội nghị giao thương trực tuyến.