Lại là y sĩ?

16/08/2018 08:53

Nhưng dù đã muộn, ngành y tế vẫn cần phải thắt chặt ngay việc quản lý hành nghề trái phép của những y sĩ để sớm ngăn chặn những rủi ro cho người bệnh.

 Thông tin gần 500 người dân ở xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) đã được lấy mẫu máu xét nghiệm HIV, trong đó phát hiện 42 người dương tính đang khiến dư luận xôn xao. Kim Thượng, một nơi vùng sâu, vùng xa, không có tệ nạn ma túy, mại dâm bỗng dưng được liệt vào nhóm các xã có tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất cả nước, người dân đang hoang mang lo sợ không hiểu căn bệnh thế kỷ này từ đâu mà tới?

Người dân Kim Thượng nghi ngờ có thể là do họ từng đến khám bệnh, tiêm thuốc, truyền nước tại nhà y sĩ T. ở cùng xã. Họ cho rằng y sĩ này đã dùng chung kim tiêm để tiêm thuốc, truyền nước cho nhiều người nên mới có tình trạng những người dân quanh năm không đi đâu ra khỏi xã, chẳng dính vào tệ nạn xã hội nào bị lây nhiễm HIV. Mỗi khi ốm đau, hầu hết người dân nơi đây thường tìm đến nhà y sĩ này để nhờ thăm khám, tiêm thuốc chứ không đến cơ sở y tế.Dù việc nghi ngờ do y sĩ dùng chung bơm kim tiêm chỉ xuất phát từ phía người dân, cơ quan chức năng còn đang điều tra nhưng qua sự việc này nhiều người không khỏi rùng mình trước thực trạng khám chữa bệnh tùy tiện của các y sĩ hiện nay.

Dù y sĩ T. khẳng định "không làm việc thất đức" là dùng chung bơm kim tiêm cho các bệnh nhân, nhưng hành vi điều trị tại nhà khi không được phép liệu có đúng với đạo đức của người thầy thuốc?! Những thầy thuốc như y sĩ T. ở Kim Thượng không phải là cá biệt. Mới năm ngoái, y sĩ Hoàng Thị Hiền ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) cũng là “tác giả” khiến hơn 100 trẻ nhiễm bệnh sùi mào gà sau khi điều trị nong bao quy đầu tại nhà với dụng cụ y tế nhiễm virus gây bệnh. Tại Hải Dương, từng có trường hợp bệnh nhân tử vong sau khi nhờ y sĩ tiêm thuốc, truyền nước tại nhà. Việc cứ ốm đau lại tìm y sĩ đến tận nhà tiêm thuốc, truyền nước cũng không phải là hiếm.

Có một thực tế khá phổ biến hiện nay đó là tâm lý dễ dãi, chủ quan với sức khỏe của chính bản thân người bệnh. Cảm thấy mệt mỏi sẽ tự mua thuốc về uống, không khỏi thì tìm đến những người ở cùng làng, cùng xã, có khi không biết họ là bác sĩ, y sĩ hay là dược sĩ, miễn là làm ngành y, để nhờ bán thuốc, tiêm thuốc, truyền nước. Dùng đủ mọi cách ấy vẫn không khỏi họ mới đến các cơ sở y tế để điều trị. Đó là "quy trình" khám chữa bệnh thường thấy ở nhiều người, nhất là ở vùng nông thôn. Thế nên mới có tình trạng chưa đi hết "quy trình", người bệnh đã mất mạng.

Y sĩ T., y sĩ Hiền hay rất nhiều y sĩ ở Hải Dương hiện đang hành nghề trái phép. Hai y sĩ trên dù được cấp chứng chỉ hành nghề nhưng không có giấy phép hành nghề y dược tư nhân ngoài giờ hành chính. Điều đó có nghĩa là những hành vi bán thuốc, tiêm thuốc, truyền nước cho người dân tại nhà là sai quy định. Một số nghề nếu làm sai còn có thể sửa chữa nhưng đối với ngành y, chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh, thậm chí nhiều người bệnh. 

Giờ đây nhiều người nhiễm HIV, nghi nhiễm HIV ở Kim Thượng không dám ra khỏi nhà vì sợ bị hàng xóm láng giềng xa lánh, kỳ thị. Có người dùng bát đũa riêng, có người bà nhớ nhung mà không dám ôm con, ôm cháu... Điều đó cho thấy những hiểu biết của người dân nơi đây về căn bệnh này còn khá lơ mơ. Vì thế, bên cạnh những biện pháp chuyên môn, các nhân viên y tế cần đến từng nhà xoa dịu những lo lắng, giúp họ vơi bớt phần nào sự hoang mang. 

Có khi phải đến vài tháng nữa mới có kết luận cuối cùng về nguồn gốc lây nhiễm HIV cho những người dân ở Kim Thượng. Nhưng dù đã muộn, ngành y tế vẫn cần phải thắt chặt ngay việc quản lý hành nghề trái phép của những y sĩ để sớm ngăn chặn những rủi ro cho người bệnh.

NGÂN HẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lại là y sĩ?