Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sinh ngày 2/4/1904, trong một gia đình nông dân nghèo tại thôn Đông, xã Đoàn Lâm, tổng Đoàn Lâm (nay là thôn Đông, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, Hải Dương).
Từ một thanh niên yêu nước, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã sớm tham gia hoạt động cách mạng, trở thành hội viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ năm 1925, tham dự lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy. Sau khi hoàn thành khóa học, tháng 9/1926, đồng chí Nguyễn Lương Bằng xung phong về nước hoạt động và có đóng góp quan trọng trong việc thiết lập đường dây liên lạc ở trong nước với nước ngoài.
Thực hiện chủ trương của tổ chức, tháng 10/1927, đồng chí Nguyễn Lương Bằng vào Sài Gòn hoạt động, có công lao to lớn trong việc xây dựng, phát triển cơ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và phong trào cách mạng ở Nam Kỳ, góp phần đẩy nhanh quá trình vận động, thành lập các tổ chức cộng sản, làm tiền đề cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 12/1928, đồng chí Nguyễn Lương Bằng trở ra Hải Phòng hoạt động, tham gia nhiệm vụ bảo vệ Thành bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên Hải Phòng. Sau đó, đồng chí được Tổng bộ Thanh niên giao nhiệm vụ phụ trách công tác giao thông liên lạc giữa Hồng Kông và Quảng Châu (Trung Quốc).
Sau khi được kết nạp vào An Nam Cộng Sản Đảng (10/1929), đồng chí Nguyễn Lương Bằng được giao nhiệm vụ đi Thượng Hải xây dựng cơ sở cách mạng trong Việt kiều và binh lính người Việt Nam. Tháng 5/1931, mật thám Pháp ở Thượng Hải bắt được đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Chúng đã dùng cực hình tra tấn nhưng không khai thác được điều gì. Do vậy, chúng dẫn giải đồng chí về Sài Gòn, giam một thời gian, rồi đưa ra Hà Nội giam tại Nhà tù Hỏa Lò.
Khi bị địch bắt và đày ải trong những nhà tù đế quốc từ nhà giam Hải Dương đến nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), nhà tù Sơn La, đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh chống cực hình, phản đối chế độ lao tù hà khắc.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Nguyễn Lương Bằng với bản lĩnh can trường, niềm tin sắt đá vào mục tiêu lý tưởng của Đảng, của cách mạng, đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, vượt qua ranh giới mong manh giữa cái sống và cái chết, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Bí danh Sao Đỏ, tên gọi trìu mến yêu thương mà bao thế hệ các chiến sĩ cộng sản đã tặng cho đồng chí trong nhà tù đế quốc, là sự khẳng định về phẩm giá, về tinh thần bất khuất và tư chất anh dũng cao đẹp của người cộng sản kiên cường. Như lời khẳng định của Đảng ta: “Đương đầu với những cuộc tra tấn dã man của quân thù, đồng chí không hề nao núng, một dạ trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng Cộng sản và giai cấp công nhân, nêu cao khí tiết cách mạng. “Sao Đỏ” đã chiếu sáng chói lọi đối với những người cách mạng và là mối khiếp sợ của kẻ thù. Mặc dù biết bao thủ đoạn gian xảo và độc ác, chúng không thể nào lay chuyển nổi một chiến sĩ cộng sản gan vàng dạ sắt”.
Là một trong số những người khai sơn phá thạch thời dựng Đảng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn đi tiên phong trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ mới của cách mạng. Đồng chí đã tiên phong trong tổ chức thực hiện mọi nhiệm vụ mới của cách mạng mà Đảng tin cậy giao phó, không ngại khó, không ngại khổ, thậm chí hy sinh máu xương cũng không nề hà.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã được Đảng và Nhà nước trao giữ nhiều chức vụ quan trọng. Được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao phó phụ trách những lĩnh vực khó khăn, nhạy cảm như tài chính, kiểm tra, thanh tra... đòi hỏi phải có sự am hiểu về chuyên môn, nghiệp vụ, song quan trọng hơn, người lãnh đạo phải có đức độ, tính gương mẫu và cái tâm trong sáng. Ở cương vị nào, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cũng luôn thể hiện tinh thần cách mạng, đạo đức cộng sản trong sáng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Điều đó được khẳng định ngay từ những năm đầu tiên đảm trách nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Lương Bằng xác định rất rõ tầm quan trọng của công tác kiểm tra của Đảng cũng như trách nhiệm của tổ chức đảng, cá nhân đảng viên. Đồng chí đã từng nêu rõ: “Muốn bảo đảm việc tăng cường tính giai cấp và tính tiên phong của Đảng được thực hiện đúng đắn và kỷ luật của Đảng được chấp hành nghiêm chỉnh thì công tác kiểm tra của Đảng phải được thường xuyên tiến hành và phải đặt nó vào một vị trí công tác không thể thiếu được. Nếu công tác kiểm tra của Đảng không được sử dụng một cách đầy đủ trong mọi mặt công tác của Đảng thì đó là một thiếu sót không kém phần quan trọng của cấp ủy đảng và đảng viên cũng phải góp phần trách nhiệm”.
Trở thành Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa từ năm 1969 và Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1976, đồng chí Nguyễn Lương Bằng có những đóng góp quan trọng trên nhiều mặt. Đồng chí cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tập trung vào mục tiêu cao nhất là xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; xây dựng, kiện toàn bộ máy Nhà nước; chăm lo công tác xây dựng Đảng; công tác đối ngoại; xây dựng phát triển lực lượng vũ trang; phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Không hám hư danh, không màng tư lợi, suốt đời hy sinh phấn đấu vì lợi ích của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân, vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đó là động cơ, là mục tiêu phấn đấu của đồng chí Nguyễn Lương Bằng.
Khi Nhà nước Việt Nam non trẻ cùng một lúc phải đối phó với thù trong, giặc ngoài, để bảo vệ chính quyền cách mạng, thực hiện tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thành lập Chính phủ Liên hiệp, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã tự nguyện xin rút lui khỏi thành phần Chính phủ, nhường chỗ cho những nhân sĩ yêu nước ở ngoài Việt Minh. Đánh giá về hành động này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Đó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học”.
Lúc tuổi đã cao và sức khỏe giảm sút, đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn suy tư, trăn trở làm sao để bản thân có thể đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của cách mạng. Do đó, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã đề nghị Bộ Chính trị sắp xếp công việc một cách phù hợp với tình hình sức khỏe. Khi biết Đảng quyết định triệu tập Đại hội lần thứ IV và chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội khóa V, đồng chí viết thư gửi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng kính gửi các đồng chí trong Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Trong thư, đồng chí khiêm tốn cho rằng khả năng hạn chế, không đủ sức để làm tròn trách nhiệm mà cứ chủ quan, tự đắc nhận lấy chức vị theo kiểu tham quyền cố vị thì sẽ gây khó khăn cho Đảng và Nhà nước, như vậy là không trung thực với Đảng, là trái với lương tâm của mình. Tuy nhiên, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng vẫn đề nghị đồng chí Nguyễn Lương Bằng tiếp tục nhiệm vụ và yêu cầu đồng chí tiếp tục ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa V và tiếp tục được bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa V).
Với tính cách giản dị, vô tư và thanh liêm tuyệt đối, trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi, đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn ghi nhớ những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng từng nói: “Chúng ta phải cố gắng học tập nghiệp vụ và tăng cường rèn luyện đạo đức: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư mà Bác Hồ dạy. Chúng ta tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết Trung ương, địa phương, trong ngành, làm việc theo đường lối quần chúng, dựa vào dân, tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng thì khó khăn sẽ khắc phục được, và nhất định chúng ta hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…”
Đồng chí Hoàng Quốc Việt cũng thường kể nhiều câu chuyện về tính cẩn thận và phẩm chất liêm khiết, trong sáng của đồng chí Nguyễn Lương Bằng: “Là người được phân công phụ trách tài chính của Đảng trong thời kỳ bí mật và giai đoạn đầu khi mới giành được chính quyền, Anh Cả nêu ra một nguyên tắc: Công khai trong bí mật. Thực hiện nguyên tắc đó, cả mình, anh Trường Chinh cũng như các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng lúc đó, chi, thu khoản gì đều phải có giấy biên nhận, kể cả những khoản tiền rất nhỏ như tiền đò qua sông (giá 1 xu). Từng thời gian nhất định, Anh Cả báo cáo công khai các khoản thu, chi trước Thường vụ Trung ương Đảng. Bản thân Anh Cả - người phụ trách ngân quỹ cũng làm đúng như vậy” .
Trọn cuộc đời đồng chí Nguyễn Lương Bằng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, “tấm gương của đồng chí là giá trị tinh thần mãi mãi tỏa sáng đối với nhiều thế hệ những người cộng sản và thanh niên ta, nhân dân ta. Tinh thần cách mạng, đạo đức cộng sản chủ nghĩa của đồng chí là bất diệt”.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn xứng đáng là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Hải Dương, làm rạng rỡ và tô thắm thêm truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương.
Ngày 28/3, nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí (2/4/1904-2/4/2024), tại Trung tâm Văn hóa xứ Đông, TP Hải Dương, lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng được tổ chức trang trọng.
Trước đó, chiều 27/3, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Hải Dương đã tổ chức hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam".
Về Nhà tưởng niệm Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng ở huyện Thanh Miện, đông đủ nhiều thế hệ người lớn tuổi, cán bộ, lãnh đạo các cấp, các thế hệ học sinh còn đeo khăn quàng đỏ tới đây dâng hương, tham quan, tìm hiểu về một người chiến sĩ cách mạng, một nhà lãnh đạo với nhiều phẩm chất sáng trong, cao quý.
Đó là minh chứng cho những giá trị, cống hiến to lớn của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng với quê hương, đất nước và tiếng thơm còn mãi.
Nội dung: HOÀNG PHONG
Hình ảnh: THÀNH CHUNG-THÀNH ĐẠT
Đồ họa, trình bày: PHÙNG BẢN