Chống tham nhũng: Vẫn bó tay với tài sản bất minh?

21/11/2017 10:42

Cử tri kỳ vọng Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) giải quyết vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, nhưng dự thảo tiếp tục để ngỏ việc thu hồi tài sản bất minh...

Chống tham nhũng: Vẫn bó tay với tài sản bất minh? - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội, nêu vấn đề này tại phiên thảo luận dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) sáng nay 21.11.

Bà Thủy nhấn mạnh: "Một trong những kỳ vọng của cử tri đối với việc sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng là giải quyết được vấn đề thu hồi tài sản do tham nhũng. Tuy nhiên, dự thảo vẫn tiếp tục để ngỏ việc thu hồi tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp, không có cơ chế xử lý. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi tài sản tham nhũng hiện rất thấp".

Cần pháp luật vượt trội

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phân tích: "Thực tiễn vừa qua có một số trường hợp kê khai tài sản không đúng, nhưng kỷ luật người kê khai chỉ có thể là khiển trách, cảnh cáo, thậm chí cách chức, chứ không thể nào thu hồi được tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của họ.

Muốn tịch thu khối tài sản này phải thông qua vụ án hình sự, từ khởi tố, điều tra, truy tố, đến xét xử. Xong các thủ tục đó thì rất khó thu hồi tài sản, nhiều vụ án đã không còn tài sản để thi hành án".

Bà Thủy không đồng tình với giải thích của ban soạn thảo về việc không bổ sung quy định nêu trên là để phù hợp với nguyên tắc của tố tụng hình sự - trách nhiệm chứng minh thuộc về nhà nước, các cơ quan tố tụng phải chứng minh, chứ không phải là người có tài sản phải giải trình.

"Tham nhũng là tội phạm đặc biệt, xảy ra rất lâu mới bị phát hiện, độ ẩn cao. Nếu không có các thủ tục tố tụng đặc biệt, vượt lên trên khuôn khổ pháp lý thông thường, thì sẽ không thể xử lý", bà Thủy nêu quan điểm.

"Còn có cơ hội tham nhũng là còn rút tiền ngân sách, sau khi tham nhũng thì tiêu xài lãng phí, tặng cho chuyển đổi các kiểu. Do đó, ngay cả những quốc gia được xem là có mô hình chống tham nhũng hiệu quả cũng không hi vọng là sẽ thu hồi được 100% tài sản bị tham nhũng".

Đại biểu này cũng khẳng định quyền tài sản là quyền hiến định, do đó nếu được đưa vào dự thảo luật, phương án thu hồi tài sản tham nhũng phải được tiến hành thông qua thủ tục tư pháp, công khai và chặt chẽ, có đủ thời gian cho người có tài sản giải trình và phải do tòa án phán quyết chứ không tịch thu bằng con đường hành chính.

Nhiều nước không còn làm như Việt Nam

Là Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội, bà Thủy chỉ ra kinh nghiệm quốc tế với 40 nước đã có quy định về thu hồi tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp. Đáng chú ý là các quốc gia này có nhiều điểm chung với Việt Nam, đó là hệ thống kiểm soát thu nhập trong xã hội chưa tốt, thói quen chi tiêu tiền mặt phổ biến.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết Trung Quốc không có luật riêng về phòng chống tham nhũng mà đặt trong các luật chuyên ngành.

Trung Quốc đã bổ sung vào Bộ luật hình sự quy định: "Bất kỳ công chức nào có tài sản hoặc chi tiêu vượt quá thu nhập, nếu có sự khác biệt lớn đều có thể bị yêu cầu giải trình về nguồn gốc khối tài sản. Nếu công chức không giải trình được thì phần tài sản vượt quá thu nhập hợp pháp sẽ bị coi là tài sản bất hợp pháp và bị tịch thu, ngoài ra có thể bị phạt tù đến 5 năm".

Tại một hội thảo phòng chống tham nhũng do Ban Nội chính trung ương tổ chức, các chuyên gia Trung Quốc chia sẻ mục tiêu của quy định trên là bằng mọi giá khiến người có hành vi tham nhũng trả lại tất cả những gì họ đã chiếm đoạt của nhà nước.

Các chuyên gia này cũng cho biết ở Trung Quốc việc thu hồi tài sản tham nhũng là rất triệt để, thu cả đồng hồ, bút máy đắt tiền, thu theo giá trị tài sản đã tham nhũng.

Chẳng hạn đối tượng sử dụng 1 tỉ tiền tham nhũng để mua ôtô mới, sau vài năm sử dụng giá trị chiếc xe chỉ còn khoảng 600 triệu. Khi thu hồi sẽ tính theo giá trị tài sản tại thời điểm thu hồi là 600 triệu, chứ không tính là thu được 1 tỉ.

Trong khi đó, Singapore không chỉ ban hành luật riêng về phòng chống tham nhũng mà có cả luật thu hồi tài sản tham nhũng, quy định rất cụ thể về căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục.

"Thu hồi tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp dù là vấn đề mới và rất khó với Việt Nam, song đây là sự chờ đợi của người dân. Các nước đều đã và đang trải qua những khó khăn giống Việt Nam trong công cuộc chống tham nhũng, nhưng họ đã tìm ra cơ chế để sớm thu hồi tài sản tham nhũng. Chúng tôi rất mong ban soạn thảo tiếp thu vấn đề này để thảo luận thấu đáo", bà Nguyễn Thị Thủy kiến nghị.

Theo Tuổi trẻ

Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương):
Cần bổ sung một số đối tượng phải luân chuyển vị trí công tác

Tôi tán thành với việc bổ sung vào dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi tại mục 5 gồm các điều từ 31 - 33 về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức; coi đây như một giải pháp quan trọng, hiệu quả và có thể thực hiện được ngay trong đấu tranh PCTN. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, nhận thấy có một số điểm chưa hợp lý, tôi xin tham gia góp ý như sau:

Một là, tại khoản 3, điều 31 về nguyên tắc chuyển đổi vị trí công tác. Chính phủ đã ban hành 2 nghị định: Nghị định số158 ngày 27.10.2007 Quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 150 ngày 1.11.2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 158. Việc thực hiện 2 nghị định này còn nhiều hạn chế như: Không quy định cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong khi nhóm đối tượng này có nguy cơ tham nhũng cao hơn so với công chức không giữ vị trí lãnh đạo, quản lý. Người  đứng đầu ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị không tổ chức thực hiện nghiêm túc 2 nghị định này. Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì chây ỳ, không muốn chuyển đổi vì có tâm lý cán bộ lãnh đạo, quản lý không gương mẫu chuyển đổi.

Có quy định việc chuyển đổi vị trí công tác chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Việc luân chuyển cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý thực hiện theo quy định về luân chuyển cán bộ.
Tôi thấy quy định như vậy là chưa hợp lý, có thể bỏ sót đối tượng cần phải luân chuyển vị trí công tác. Vì theo Quy định số98 ngày 7.10.2017 của Bộ Chính trị quy định về luân chuyển cán bộ, có xác định rõ đối tượng luân chuyển gồm: cán bộ trẻ, có năng lực, triển vọng, trong quy hoạch của địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị; cán bộ được luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ không phải là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị. Như vậy, còn một nhóm cán bộ khá lớn là cán bộ lãnh đạo, quản lý không thuộc đối tượng luân chuyển nhưng lại thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, nghề phải định kỳ chuyển đổi được quy định tại điều 32.

Để khắc phục hạn chế nêu trên tôi xin đề nghị sửa lại khoản 3, điều 32 như sau: "Quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trừ các trường hợp cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thực hiện theo quy định về luân chuyển cán bộ".

Hai là, tại điều 32, tôi tán thành với việc cần phải quy định rõ trong dự thảo luật các lĩnh vực, ngành, nghề có nguy cơ xảy ra tham nhũng cao để định kỳ chuyển đổi vị trí công tác. Tuy nhiên, tại khoản n, điều 32, có quy định công tác tuyển dụng, đào tạo, thi tuyển, thi nâng ngạch công chức, viên chức, công tác nhân sự và quản lý nhân lực chưa phù hợp, chưa đề cập đến một số khâu trong công tác cán bộ cũng dễ phát sinh tiêu cực tham nhũng như điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng…

Tôi đề nghị sửa lại: "Công tác tổ chức, cán bộ, quản lý nhân sự" là đủ vì đã bao hàm hết tất cả các khâu sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, đánh giá, quản lý biên chế, nhân lực và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức (trong đó đã bao gồm việc tổ chức thi nâng ngạch công chức, xét nâng ngạch viên chức, xếp ngạch bậc lương, nâng lương).

Khoản m, điều 3 quy định: "Cán bộ, nhân viên làm công tác cán bộ, chính sách, quân lực, tuyển sinh…". Như vậy là quy định vị trí công tác, trong khi đó điều 31 quy định về các lĩnh vực, ngành, nghề phải định kỳ chuyển đổi công tác. Tôi đề nghị cần quy định thống nhất theo lĩnh vực, ngành nghề.

Ba là, tại khoản g, điều 32 có quy định: hoạt động quản lý; điều hành công tác kế hoạch và đầu tư, mua sắm trong cơ quan, doanh nghiệp nhà nước là lĩnh vực cần định kỳ chuyển đổi vị trí công tác.

Tôi thấy quy định như vậy đối với doanh nghiệp nhà nước là chưa thật hợp lý.

Theo tôi, chỉ nên quy định người giữ chức danh quản lý trong doanh nghiệp nhà nước cần phải định kỳ chuyển đổi vị trí công tác. Còn người đại diện phần vốn nhà nước thì không nhất thiết phải chuyển đổi vì đây là vị trí cần có sự ổn định.

Bốn là, đề nghị bổ sung thêm lĩnh vực thi đua, khen thưởng cũng cần định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ làm công tác này vì đây cũng là lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Năm là, ở điều 33,  tôi đề nghị bổ sung thêm một căn cứ quan trọng để ban hành danh mục chi tiết các vị trí công tác cần chuyển đổi là đề án vị trí việc làm của các cơ quan. Việc căn cứ vào đề án vị trí việc làm sẽ tạo ra được sự thống nhất trong cả nước về việc xác định danh mục các vị trí cần định kỳ chuyển đổi vị trí công tác.


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống tham nhũng: Vẫn bó tay với tài sản bất minh?