Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark: "Tảng băng" có được phá?

08/04/2018 06:55

Sau hơn một năm "chủ nợ" tích cực tìm kiếm đối tác để bán, cho thuê nhà xưởng và chuyển nhượng đất, đến nay toàn bộ tài sản trong KCN Việt Hòa - Kenmark đã chính thức có chủ sở hữu mới.


Người dân đang trông chờ vào sự chuyển động lại của khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark sau nhiều năm tê liệt

Hé lộ chủ mới

Ngày 21.3.2018, tại Hà Nội, Công ty CP Đấu giá Thành An (đơn vị được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Thành Đô thuê tổ chức bán đấu giá) tổ chức đấu giá dự án xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng và nhà xưởng trong KCN Việt Hòa - Kenmark. Tài sản đấu giá gồm quyền sử dụng đất và toàn bộ tài sản gắn liền trên đất trong KCN. Tại buổi đấu giá, Công ty CP KCN kỹ thuật cao An Phát (gọi tắt là Công ty An Phát) ở cụm công nghiệp An Đồng, thị trấn Nam Sách đã trả bằng giá khởi điểm (756,45 tỷ đồng) và trúng đấu giá toàn bộ tài sản. Như vậy, sau nhiều năm bị "đóng băng", chủ đầu tư "bỏ nợ chạy lấy người", để lại nhiều hệ lụy thì đến nay KCN này đã có chủ mới. Đây là kết quả của quá trình xử lý nợ kéo dài nhiều năm giữa các ngân hàng và chủ đầu tư KCN.

KCN Việt Hòa - Kenmark rộng hơn 46 ha nằm ở vị trí đắc địa, giáp quốc lộ 5, thuộc các phường Tứ Minh và Việt Hòa (TP Hải Dương). Cuối năm 2006, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Kenmark (Công ty Kenmark) của Đài Loan (Trung Quốc) được Ban Quản lý các KCN tỉnh cấp giấy chứng nhận thực hiện dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN Việt Hòa - Kenmark và xây dựng nhà xưởng cho thuê. Tổng vốn đầu tư trên 98,4 triệu USD. Sau gần ba năm triển khai xây dựng, cuối năm 2009, Công ty Kenmark đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, trạm xử lý nước thải và 13 nhà xưởng rộng 11,4 ha.

Để có vốn đầu tư, Công ty Kenmark đã thế chấp toàn bộ tài sản của KCN để vay trên 67,6 triệu USD của một số ngân hàng tại Việt Nam. Do khó khăn về tài chính, Công ty Kenmark đã xin dừng hoạt động từ tháng 5.2010. Tổng giám đốc Công ty Kenmark đã bỏ về nước, để lại khoản nợ hơn 98 triệu USD tại các ngân hàng của Việt Nam. Các ngân hàng đã hỗ trợ, gia hạn trả nợ nhiều lần nhằm tạo điều kiện cho Công ty Kenmark có thời gian tìm kiếm nhà đầu tư mới để chuyển nhượng, khôi phục dự án nhưng không có kết quả.

Cuối năm 2015, đại diện các ngân hàng và Công ty Kenmark đã ký kết biên bản thỏa thuận xử lý tài sản bảo đảm, yêu cầu đến đầu năm 2016, Công ty Kenmark phải chuyển nhượng dự án hoặc đưa ra phương án trả nợ khả thi được các ngân hàng chấp thuận. Trong trường hợp không được chấp thuận, các ngân hàng có toàn quyền thực hiện tất cả các biện pháp thu hồi nợ, bao gồm thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật. Đến thời hạn trên, Công ty Kenmark không có phương án trả nợ và không tự chuyển nhượng được dự án nên cuối tháng 11.2016, các ngân hàng đã thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty Kenmark và rao bán.

Chờ đợi sự chuyển động

Ngay sau khi trúng đấu giá, Công ty An Phát đã có văn bản gửi UBND tỉnh xin hỗ trợ thủ tục tiếp nhận dự án này. Trong văn bản này, đại diện Công ty An Phát trình bày mục tiêu của công ty khi tiếp nhận KCN Việt Hòa - Kenmark là tập trung đầu tư sản xuất sản phẩm nhựa kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường và các hoạt động nghiên cứu, phát triển khác. Một số loại sản phẩm công ty dự kiến triển khai sản xuất tại KCN Việt Hòa - Kenmark là nhựa ép phun kỹ thuật cao phục vụ cho ngành sản xuất ô tô, điện thoại di động, linh kiện điện tử, bao bì nhựa tự hủy, vật liệu xây dựng PVC công nghệ cao...

Với việc phát triển các dự án này, Công ty An Phát dự kiến sẽ tạo việc làm cho từ 3.000 - 5.000 lao động địa phương và đóng góp cho ngân sách tỉnh từ 200 - 300 tỷ đồng/năm. Công ty sẽ đẩy nhanh việc cải tạo, sửa chữa các công trình hạ tầng của dự án để khôi phục hoạt động của KCN Việt Hòa - Kenmark. Theo kế hoạch, trong năm 2018, công ty sẽ hoàn thành cải tạo, đưa vào sử dụng một số nhà xưởng và đến giữa năm 2019 sẽ cải tạo, sử dụng toàn bộ các công trình hạ tầng trong KCN này.

Sau khi tiếp nhận công văn của Công ty An Phát, ngày 30.3, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản giao Ban Quản lý các KCN tỉnh hướng dẫn Công ty An Phát thực hiện các thủ tục theo quy định. Được biết, để giải quyết dứt điểm các tồn tại của Công ty Kenmark, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã nhiều lần có văn bản báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nhờ sự giúp đỡ của các cơ quan liên quan. Hiện nay, Ban Quản lý các KCN tỉnh đang chờ thông tin phản hồi của các cơ quan cấp trên.

Sau nhiều năm để hoang, gây lãng phí đất đai, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, người dân đang trông chờ vào sự chuyển động mới của KCN này trong thời  gian tới.

MINH HỒNG

(0) Bình luận
Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark: "Tảng băng" có được phá?