Cháu hư tại bà

01/01/2019 15:09

Tết dương lịch, cả nhà được nghỉ nên chị Diệp mua rất nhiều đồ về trổ tài nấu ăn.



Chị  đang lúi húi trong bếp thì điện thoại di động vang lên. Chị liếc nhìn màn hình, thấy số lạ, định không nghe máy vì chị hay bị làm phiền. Hai vợ chồng cùng làm cán bộ huyện, thành ra nhiều người biết, tí tí lại gọi điện nhờ vả, làm chị khó chịu. Nhưng không hiểu sao, lần này chị tò mò nên gạt sang nút nghe. Đầu bên kia hỏi dồn dập: “Chị là Diệp, mẹ cháu Trung đúng không? Cháu bị tai nạn, người không sao nhưng xe máy vỡ hết cả yếm rồi. Chị đến đây mau”. Chị Diệp cuống quýt, mặt tái nhợt. Không hiểu thằng con ương bướng của chị mượn đâu được xe máy mà gây chuyện như thế. Nay lại là ngày nghỉ Tết, đường rất đông.

Chị không dám lái xe lúc này nên gọi taxi đưa đến hiện trường. Đầu chị quay cuồng. Chị có mỗi mụn con trai nhưng không được nuôi nấng, dạy dỗ theo ý mình. Trong gia đình, mẹ chồng chị có quyền hành to nhất. Từ bé, thằng Trung ăn gì, chơi gì, học gì cũng do bà nội nó quyết định. Bà cưng chiều nó như báu vật, không cho ai nói nặng lời với nó bao giờ. Vì vậy, ba tuổi nó đã biết lõm, hễ không vừa ý chuyện gì là lăn đùng ra ăn vạ, kỳ được mới thôi. Nó chính là nguyên nhân đẩy chị Diệp và mẹ chồng ra xa. Cái kiểu giáo dục “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” quả là nguy hiểm. Chị nhận ra điều đó và xin mẹ chồng đừng can thiệp, đừng bênh cháu nhưng mẹ chồng chị tuyên bố: “Chị đừng coi thường bà già này. Chẳng gì tôi cũng nuôi dạy năm đứa con trưởng thành. Tôi có thừa kinh nghiệm để dạy cháu tôi. Chị cứ lặng im mà xem”.

Chị Diệp không làm cách nào, bèn nhờ chồng can thiệp nhưng kết quả chỉ như “đổ thêm dầu vào lửa”. Mẹ chồng chị càng ác cảm với chị: “Chuyện nhỏ như thế mà chị cũng nói với chồng. Để cho chồng yên tâm công tác chứ!”. Vậy là, bà nội ra sức chiều theo yêu sách của cháu trai. Thằng Trung thỏa sức vòi vĩnh. Mới học cấp hai nó đã đòi sắm điện thoại, iPad. Nó chơi game nhoay nhoáy. Chơi ở nhà một mình thì chán, nó ra quán thi đấu cùng với những cao thủ game, thậm chí còn cá cược. Bà nội trả nợ đậy cho nó nên nó thường xuyên trốn học. Tính cách nó ngỗ ngược, hơi một tý là gây sự với bạn bè. Học hành thì ngày càng sa sút.

Mỗi lần bị cô giáo chủ nhiệm mời lên trao đổi, chị Diệp xấu hổ không để đâu cho hết. Chị không dám kể xấu mẹ chồng, chỉ buồn rầu nhờ cô giáo giúp đỡ: “Trăm sự nhờ cô, tôi hết cách rồi, nhiều lúc thấy bất lực lắm cô ạ. Đúng là thằng con bất trị”. Nhiều lúc chị ước thời gian quay ngược trở lại, chị sẽ tìm cách vùng vẫy thoát ra khỏi tình cảnh oái oăm, thoát khỏi sự lệ thuộc vào mẹ chồng để có quyền dạy con. Bây giờ thằng Trung đã 16 tuổi rồi, thói quen và cách sống của nó đã được bà nội rèn thành nếp. Nói là “rèn” nhưng kỳ thực bà để nó sống tự do, buông tuồng, thích gì làm nấy, thèm gì bà sẽ mua ngay cho ăn. Bà bảo nó không cần phải học nhiều, cứ học hết cấp ba, bà sẽ cho tiền đi du học. Nó biết vậy nên chểnh mảng. Trong mắt nó chỉ có bà nội là nhất. Nó không gần gũi mẹ, không quan tâm đến tâm trạng của mẹ.

Mọi lần hễ gặp sự cố là nó tìm đến bà nội, không hiểu sao hôm nay nó lại đọc số điện thoại của mẹ cho người ta gọi. Chị Diệp băn khoăn. Chị nhắm nghiền mắt lại, thầm cầu mong thằng Trung không bị sây sát gì. Nhìn thấy một đám người tụ tập trên vỉa hè, chị Diệp đã bủn rủn hết cả chân tay. Chị chen vào giữa đám đông, túm lấy thằng Trung, hốt hoảng: “Con có làm sao không?”. Tiếng mọi người oang oang bên tai chị: “Phúc nhà chị to bằng cái đình nhé”. “Tý tuổi đầu mà đã cho đi xe máy. Bằng lái thì không có”. “Liều đến thế là cùng”. “Đi đứng thế nào mà đâm vào đuôi xe tải đang đỗ bên vệ đường. May mà thằng này nhảy ra kịp, không thì vỡ mặt”. Chị Diệp ôm lấy con trai, nước mắt ứa ra. Chị không mắng con một lời, nhờ taxi đưa con về, còn mình ở lại giải quyết hậu quả.

Chị về đến nhà thì mẹ chồng chị đang ngồi chờ bên mâm cơm đã nguội ngơ nguội ngắt. Mặt bà bần thần như người có lỗi. Bà thở dài, mắt rơm rớm: “Tất cả là tại mẹ hết. Hôm nay, thằng Trung đòi mượn xe máy đi chơi với bạn nên mẹ đã mượn hộ nó. Thôi! Từ nay mẹ giao trả thằng Trung cho vợ chồng con dạy dỗ. Bao năm nay mẹ ích kỷ, độc chiếm nó, chống lưng cho nó. Suýt nữa thì…”. Mẹ chồng chị khóc nấc lên. Chị Diệp ngỡ ngàng trước thái độ của mẹ chồng. Bao năm nay, bà chỉ đổ lỗi cho chị, rằng con hư tại mẹ. Nhưng bây giờ, chị không bận tâm đến việc ai nhận lỗi mà điều chị trăn trở nhất là làm sao vực thằng Trung dậy. Dù khó khăn đến đâu, nhất định chị sẽ vượt qua.

TRẦN THÚY LÀNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cháu hư tại bà