Gần lắm Trường Sa. Bài 2: Người Hải Dương tham gia giữ đảo

08/02/2018 11:20

Ở nơi đầu sóng, ngọn gió nhưng những người con quê Hải Dương vẫn ngày đêm kề vai, sát cánh cùng các đồng đội bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


Công tác ngoài đảo xa trong điều kiện khó khăn nhưng đại úy, bác sĩ Lê Quang Thân luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao

Chỉ huy đảo gương mẫu

Trên tàu kiểm ngư 490 từ Quân cảng Cam Ranh ra quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa), tôi gặp đại úy Trần Văn Phúc (32tuổi, quê ở xã Tân Phong, Ninh Giang). Đây là lần thứ hai anh Phúc tạm biệt đất liền để ra nhận nhiệm vụ ngoài Trường Sa. Lần thứ nhất là tháng 5.2011, khi anh Phúc đang giữ chức vụ Trung đội trưởng và trợ lý tham mưu Tiểu đoàn 454, Lữ đoàn 957, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. “Ngày đó cấp trên có lệnh điều động thêm người ở đơn vị tôi ra đảo Thuyền Chài làm nhiệm vụ. Thấy vậy tôi đã viết đơn đăng ký tình nguyện lên đường và được cấp trên phê duyệt”, anh Phúc chia sẻ.

Thuyền Chài là đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa, có 3 điểm đảo A, B, C. Anh Phúc làm nhiệm vụ tại điểm C. Điều kiện sống ở đây khắc nghiệt, mọi thứ đều thiếu thốn, nhất là nước ngọt và rau xanh luôn khan hiếm. Vượt qua mọi khó khăn, suốt 4 năm công tác tại đảo Thuyền Chài, anh Phúc luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Được giao làm Phó Chỉ huy trưởng đảo Thuyền Chài C (2011 - 2013) rồi Chỉ huy trưởng đảo Thuyền Chài C (2013 - 2014), anh Phúc thường xuyên động viên, nhắc nhở chiến sĩ trong toàn đơn vị phải yêu thương nhau như anh em ruột trong gia đình. Nhiều chiến sĩ trẻ mới ra đảo còn nhớ nhà, nhớ người thân, nhưng được anh Phúc tận tình giúp đỡ, chia sẻ nên đã nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống trên hòn đảo chìm tuy thiếu thốn vật chất nhưng luôn đầy tình cảm và lòng quyết tâm. Năm 2012, chiến sĩ quân y Nguyễn Văn Tuấn quê ở huyện Kinh Môn vừa mới ra đảo nhận nhiệm vụ thì được tin bố qua đời. Lúc đó tinh thần anh Tuấn suy sụp, buồn bã. Vừa là chỉ huy, vừa là đồng hương, anh Phúc đã gần gũi chia sẻ, động viên và tận tình giúp đỡ nên anh Tuấn đã vững tâm trở lại với công việc của mình. Năm ấy, anh Tuấn được Lữ đoàn 146 (Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác.

Để bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa, anh Phúc đã cùng các đồng đội tích cực tăng gia sản xuất. Các anh vớt những khúc gỗ trôi dạt trên biển để dựng khung, sử dụng bạt chắn gió tạo thành khu trồng các loại rau xanh như cải mầm, cải cay, bò đất, rau muống, mùng tơi. Trời có mưa, anh yêu cầu cán bộ, chiến sĩ huy động tất cả vật dụng để hứng, tích trữ nước ngọt dùng dần và hỗ trợ ngư dân bám biển khi cần...

Năm nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao nhưng anh Phúc chẳng bao giờ nhận về mình các danh hiệu cá nhân mà đều nhường lại cho các cán bộ, chiến sĩ cấp dưới. Anh Phúc chia sẻ: “Tôi làm vậy vì muốn động viên, khích lệ tinh thần anh em tiếp tục vững vàng, đoàn kết thực hiện tốt nhiệm vụ”.

Bác sĩ quân y tận tình

Ra thăm đảo Đá Đông điểm A, tôi gặp một ngư dân đang ở cùng cán bộ, chiến sĩ nơi đây với chiếc đầu được băng bó bằng bông gạc. Anh là Châu Mạnh Cường (23 tuổi, quê tỉnh Bình Thuận). Cách đó hơn 1 tuần, trong lúc đang đánh bắt cá tại vùng biển gần đảo Đá Đông, anh Cường bị một vật cứng trên nóc tàu rơi xuống đầu làm anh bị ngất, rách 4 cm ở đỉnh đầu. Được đưa vào đảo khâu vết thương, điều trị tích cực nên anh đã sớm tỉnh táo trở lại. Người chăm sóc cho anh Cường là đại úy, bác sĩ quân y Lê Quang Thân (45 tuổi, quê ở xã Tân An, Thanh Hà). “Nếu không có anh Thân tận tình cứu giúp thì không biết giờ này tôi sẽ ra sao nữa”, anh Cường xúc động nói.

Cởi mở, chân tình là những cảm nhận đầu tiên của tôi về anh Thân. Sau nhiều năm làm bác sĩ ở Lữ đoàn 126 (Quân chủng Hải quân), cuối năm 2015, anh được phân công ra đảo Thuyền Chài công tác và tiếp tục chuyển sang đảo Đá Đông A một năm sau đó. Công tác nơi đảo xa, thiếu thốn nhiều thứ, để chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo một cách tốt nhất, hằng ngày anh Thân chịu khó đọc thêm sách, tài liệu y học và tích cực vận dụng những gì mình biết vào thực tiễn. Ngoài điều trị bằng thuốc tây, anh Thân kết hợp với phương pháp xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu nên chiến sĩ bị ốm rất mau hồi phục. “Cán bộ, chiến sĩ ngoài này nếu có ốm đau, bệnh tật đều phụ thuộc hết cả vào mình. Vì vậy, dù có thiếu thốn, khó khăn đến mấy cũng phải cố gắng. Anh em có khỏe mạnh thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, anh Thân cho biết.

Năm 2017, gần 100% số cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Đông đạt sức khỏe tốt. Kết quả này có đóng góp không nhỏ của anh Thân. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn trên đảo, anh cùng các đồng đội tích cực hỗ trợ ngư dân bám biển. Hằng năm, đảo Đá Đông cấp thuốc và khám chữa bệnh miễn phí cho 150 - 200 lượt ngư dân. Mỗi khi ngư dân gặp nạn, anh Thân đều cứu chữa, điều trị kịp thời. Không chỉ là một bác sĩ tận tâm, anh Thân còn là người gương mẫu, nhiệt tình, trách nhiệm với nhiều công tác khác của đơn vị. Nhận xét về anh Thân, đại úy Trương Mai Bình, Chỉ huy trưởng đảo Đá Đông điểm A nói: “Anh ấy là một chiến sĩ mẫn cán, là điển hình để những chiến sĩ khác học tập. Đảo Đá Đông thật may mắn vì có anh ấy”.

Ở những nơi xa xôi nhất của Tổ quốc, các cán bộ, chiến sĩ, trong đó có những người con quê Hải Dương vẫn đang ngày đêm kiên cường vượt lên khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ một phần “máu thịt” thiêng liêng của Tổ quốc.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Gần lắm Trường Sa. Bài 2: Người Hải Dương tham gia giữ đảo