Quốc phòng

Trường Sa thân thương. Bài 3: Tình đồng hương siết chặt

LINH AN 01/02/2024 11:00

“Ai quê Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... không?” Lập tức sẽ có những cánh tay đồng hương giơ lên. Ở Trường Sa, những người đồng hương cứ tự nhiên tìm đến nhau như vậy, thắm thiết, ân tình như đã quen nhau từ trước.

dong-chi-bui-van-que-gap-go-dong-vien-cbcs-dang-cong-tac-lam-nhiem-vu-tren-dao-song-tu-tay.jpg
Đồng chí Bùi Văn Quê, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải quân gặp gỡ, động viên cán bộ, chiến sĩ cùng quê ở đảo Song Tử Tây

Xa quê càng không ngừng cố gắng

“Em chào cô hiệu trưởng", thượng úy Trương Thanh Tú ở thôn Đông, xã Bình Lãng (Tứ Kỳ, Hải Dương) nhận ngay ra chị Phạm Hồng Hạnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Tứ Kỳ là cô giáo cũ. 2 cô trò tay bắt mặt mừng, tíu tít chuyện quê nhà. Tú khoe vừa cưới vợ 3 tháng trước. “Nhớ vợ lắm cô ạ. Nhưng chúng em luôn tranh thủ gọi điện hỏi thăm, động viên nhau cố gắng”, anh Tú kể.

Anh Tú đang là Phân đội trưởng Phân đội 37 trên đảo Song Tử Tây. Nghe có đoàn công tác ra thăm đảo, anh đã hồi hộp, tìm trong danh sách đoàn tên của đồng hương. Anh xúc động chạy ù về đơn vị đem lên tặng chị Hạnh hộp nước yến là tiêu chuẩn bồi dưỡng vừa được chuyển ra từ đất liền.

thanhtu.jpg
Anh Trương Thanh Tú (trái), Phân đội trưởng Phân đội 37 trên đảo Song Tử Tây quê ở Bình Lãng (Tứ Kỳ) yên tâm đón Tết lần thứ 2 trên quần đảo Trường Sa

Anh Tú đã từng công tác và đón một lần Tết xa nhà trên đảo An Bang. Đây là Tết thứ nhất anh có gia đình riêng, nhưng cũng lại đón Tết xa nhà. Buồn chứ, nhưng anh bảo: “Ở đảo có đồng đội, có những niềm vui, niềm tự hào riêng có của người lính bảo vệ biên cương, hải đảo”. Thương cậu học trò nhỏ nhanh nhẹn, thông minh ngày nào, chị Hạnh siết chặt tay, chúc Tú luôn vui, khỏe, nỗ lực cùng đồng đội hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Việc đầu tiên khi lên các đảo của đại tá Nguyễn Xuân Hòa, Phó Trưởng Phòng báo điện tử Báo Quân đội nhân dân, quê ở Chí Linh (Hải Dương) cũng là tìm đồng hương vì anh muốn tặng chút quà, động viên cán bộ, chiến sĩ cùng quê đang công tác, gìn giữ biển đảo, đồng thời thông tin tình hình trong đất liền, quê hương tới anh em.

z5107017486895_453d25fbc7b20f5c69540cca7aa95404.jpg
Các nhà báo, cán bộ, chiến sĩ người Hải Dương gặp nhau trên quần đảo Trường Sa

Quân và dân huyện đảo Trường Sa từ nhiều địa phương trong cả nước về sinh sống và công tác. Có giọng nói trầm ấm của người miền biển Hải Phòng, Quảng Ninh; có giọng nói ngọt lịm đến từ miền “gạo trắng nước trong” Cần Thơ, Đồng Tháp…; hay giọng bổng trầm từ “khúc ruột miền Trung” nắng cháy… Chỉ cần qua giọng nói, mọi người đã nhanh chóng nhận ra đồng hương rồi tay bắt mặt mừng, chuyện quê, chuyện đảo rì rầm không dứt.

Nghe giọng nói, Hải Doan, phóng viên tạp chí Thời đại nhận ngay ra đồng hương và mừng cuống quýt khi được gặp gần chục người con cùng quê Hải Phòng ở đảo Sinh Tồn. Họ nhanh chóng tìm đến gặp nhau chỉ sau vài tiếng hỏi thăm. Nào là ở huyện nào, xã nào, có biết nhà này nhà kia không? Trung úy Nguyễn Trần Đăng, Chỉ huy trưởng Trung tâm Dịch vụ hậu cần – kỹ thuật đảo Sinh Tồn (thuộc Hải đoàn 129, Quân cảng Sài Gòn) gặp được đồng hương Tiên Lãng – Vĩnh Bảo (Hải Phòng) nên vui như Tết. “Hiếm lắm mới gặp được đồng hương ra thăm đảo, lại còn được gặp đúng người cùng huyện, hỏi thăm được bao nhiêu chuyện ở nhà”, anh Đăng nói. Rồi kẹo lạc, bánh đậu xanh, cơm cháy…, bao nhiêu quà quê của đồng hương mang ra đảo được đem ra mời nhau ríu rít.

Như người nhà

z5107153703538_10ff7e9178267acb4bf8af5a26f45f6e.jpg
Chị Phạm Hồng Hạnh (giữa), Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tứ Kỳ và các chiến sĩ đồng hương ở đảo Sinh Tồn Đông

Bên chén chè ấm đượm tình đồng hương ở đảo Sinh Tồn, trung tá Nguyễn Văn Phòng, Chính trị viên của đảo quê ở Chí Linh (Hải Dương) kể rằng ở đảo, những cán bộ, chiến sĩ cùng quê như anh em trong nhà, thường tìm đến gặp nhau, động viên nhau cố gắng. Anh vừa là anh, là bạn của nhiều chiến sĩ trẻ, mới ra nhận nhiệm vụ ở đảo, giúp các em vơi bớt nỗi nhớ nhà, hướng dẫn các em nhanh chóng rèn luyện, trưởng thành trong quân ngũ. Anh Phòng sẽ nhận nhiệm vụ mới sau dịp nghỉ Tết này nên đây cũng là những ngày kỷ niệm của anh với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ở đảo Sinh Tồn. Anh lựa chọn những đồ dùng còn tốt san sẻ cho anh em ở lại đảo công tác; nhận đồ vật mọi người gửi đem về cho gia đình… Anh đến từng nhà dân chia tay, chúc mọi người ăn Tết vui vẻ, sum vầy, hạnh phúc. Họ hẹn sẽ gọi điện hỏi thăm nhau thường xuyên.

Gửi lời về quê nhà, trung úy Nguyễn Trần Đăng nhờ các phóng viên đồng hương thông tin để gia đình yên tâm về điều kiện công tác, sinh sống ở đảo. Nhắn nhủ với những người ở hậu phương, anh cảm ơn những người vợ, người mẹ có chồng, con là bộ đội công tác ở đảo đã chia sẻ, cảm thông nhiều hơn giúp các anh yên tâm, chắc tay súng xây dựng, giữ gìn biển đảo của Tổ quốc. Xa quê, nhưng các anh luôn hướng về quê nhà, cố gắng hơn.

z5107153225576_66a33d9cd25a81a5b511470ad8b5d75a.jpg
Cán bộ, chiến sĩ quê Hải Phòng gửi lời chúc Tết về quê qua các phóng viên đồng hương

Anh Trần Duy Huy, phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình phỏng vấn đồng hương đến “nóng” cả máy vì cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo cùng quê Thái Bình đông nhất. Như người một nhà, đồng hương Thái Bình í ới đi tìm nhau, san sẻ với nhau từng điếu thuốc, gói chè… Anh Huy ghi trọn từng lời chúc, gửi gắm về quê nhà của mọi người vì muốn đem những hình ảnh, tình cảm chân thực nhất ở đảo về quê, để ở quê nhà mọi người đều có thể thấy con em quê hương đang sinh sống, rèn luyện, công tác thế nào.

Tết là sum vầy, nhưng với những cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa, Tết càng không được quên nhiệm vụ, vẫn chắc tay súng bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc với tâm thế kiêu hãnh hướng về quê hương, gia đình, về đất liền thân yêu.

------------------------

Bài cuối: Nhớ lắm Trường Sa

LINH AN
(0) Bình luận
Trường Sa thân thương. Bài 3: Tình đồng hương siết chặt