Người mắc bệnh Whitmore có nguy cơ tử vong từ 40-60%

13/09/2019 18:34

Hiện nay, nhiều người đang lo lắng về căn bệnh Whitmore (một căn bệnh do vi khuẩn ăn thịt người gây ra). Trên phạm vi cả nước đã có một số trường hợp tử vong vì căn bệnh này.



Phóng viên Báo Hải Dương phỏng vấn thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Khắc Thái, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) để tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này.


-  Thưa bác sĩ, thời điểm này ở Hải Dương đã xuất hiện ca bệnh Whitmore nào chưa?

- Trung bình mỗi năm, Khoa Truyền nhiễm tiếp nhận 2-3 bệnh nhân mắc bệnh Whitmore, đa số là nông dân. Hiện khoa đang điều trị cho bệnh nhân Vũ Thị Q. (56 tuổi) ở xã Tân Việt (Bình Giang). Đây là bệnh nhân thứ hai mắc loại bệnh này mà khoa tiếp nhận điều trị từ đầu năm đến nay. Bệnh nhân Q. vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngày 27.8 với một vết thương sưng tấy có kích cỡ 3x2 cm ở mu bàn chân trái kèm biểu hiện sốt cao. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến điều trị tại Khoa Ngoại 1. Qua quá trình cấy máu, cấy mủ cho bệnh nhân phát hiện có vi khuẩn Burkholderia pseudomallei. Đây là vi khuẩn gây nên căn bệnh Whitmore. Ngày 29.8, bệnh nhân được chuyển đến điều trị tại Khoa Truyền nhiễm. Hiện nay, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Q. đã ổn định. Tuy nhiên, bệnh nhân phải chờ một thời gian nữa để thực hiện cấy máu, cấy mủ. Khi không phát hiện vi khuẩn gây bệnh và khâu xong vết thương bệnh nhân mới được xuất viện.

- Cơ chế lây của căn bệnh này như thế nào? Mức độ nguy hiểm ra sao thưa bác sĩ?

- Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên, bệnh thường xuất hiện từ tháng 7 đến tháng 11. Bệnh này chỉ xuất hiện với các ca lẻ tẻ, không thành dịch. Cơ chế lây bệnh là vi khuẩn Burkholderia pseudomallei trong môi trường đất, nước hoặc trong bụi xâm nhập vào da, niêm mạc thông qua các vết thương, vết trầy xước trên cơ thể hoặc người bệnh hít phải bụi có chứa vi khuẩn Burkholderia pseudomallei. Thời gian ủ bệnh khoảng 1-2 tuần sau đó tiến triển nhanh, ban đầu người bệnh chỉ xuất hiện một số nốt phồng rộp, ổ áp xe nhỏ ngoài da sau đó vào máu. Sau khi vào máu, các ổ nhiễm khuẩn tạo ổ áp xe trong phổi, trong các tạng có thể dẫn tới sốc, làm suy đa tạng, tổn thương gan, thận, suy hô hấp, trụy tim mạch, hoại tử trên nhiều vùng cơ thể. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong trong thời gian ngắn.

Hiện nay, chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh căn bệnh này có thể lây từ người sang người. Tỷ lệ mắc bệnh là 13/1.000.000 người. Căn bệnh này có nguy cơ gây tử vong từ 40-60%. Phác đồ điều trị căn bệnh này kéo dài. Giai đoạn đầu, bệnh nhân được tiêm kháng sinh. Sau đó khoảng 2 tuần sẽ chuyển sang điều trị bằng kháng sinh dạng uống. Khi dùng kháng sinh dạng uống, bệnh nhân được điều trị ngoại trú trong khoảng 3-6 tháng, thậm chí kéo dài 1 năm. Bệnh nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị và thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra theo định kỳ để bệnh không tái phát. Nếu bệnh tái phát thì nguy cơ tử vong là rất lớn. Đến nay, Hải Dương chưa có bệnh nhân nào tử vong hoặc biến chứng nặng vì mắc bệnh Whitmore.

- Bác sĩ có thể nói rõ dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh căn bệnh này?

- Bệnh Whitmore rất nguy hiểm nhưng chưa có vaccine phòng bệnh. Căn bệnh này lại có biểu hiện khá mơ hồ như mệt mỏi, sốt cao, ho, đau ngực, đau cơ, xương khớp giống như cảm cúm nên dễ bị người bệnh bỏ qua. Những người cao tuổi, người mắc các bệnh mạn tính, người có hệ miễn dịch kém có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người bình thường. Để phòng tránh căn bệnh này, trong quá trình lao động nếu phải tiếp xúc với môi trường đất, nước, người dân nên trang bị đồ bảo hộ lao động như găng tay, ủng; che chắn đường hô hấp trong môi trường khói bụi. Trường hợp bệnh nhân Q. mắc bệnh là do trong quá trình phun thuốc trừ sâu không đi ủng, sau đó, chân va phải vật sắc nhọn, bệnh nhân cũng không xử lý, rửa sạch vết thương. Để phòng bệnh, nên tránh để các vết thương hở, vết trầy xước trên cơ thể tiếp xúc trực tiếp với môi trường đất, nước. Đối với những người có vết thương hở, vết trầy xước có kèm theo các biểu hiện như sốt cao, ho... hoặc vết thương bị sưng tấy, phù nề thì cần đến các cơ sở y tế có các xét nghiệm vi sinh, cấy máu, cấy mủ để khám và phát hiện cũng như điều trị bệnh kịp thời.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

HUYỀN TRANG(thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người mắc bệnh Whitmore có nguy cơ tử vong từ 40-60%