Không nhân nhượng với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm

11/01/2020 14:35

Sáng 11.1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm (ATTP) sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 13 của Thủ tướng về lĩnh vực này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hải Dương.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc tổ chức hội nghị vào thời điểm cận Tết Nguyên đán nhằm quán triệt tinh thần bảo vệ quyền quan trọng của con người là sức khỏe, là mạng sống. 

Đánh giá về công tác bảo đảm ATTP, Thủ tướng cho rằng đa số tỉnh, thành phố đã ban hành quy hoạch các cơ sở giết mổ tập trung, dần xóa bỏ các cơ sở nhỏ lẻ, không bảo đảm vệ sinh. Nhiều doanh nghiệp đầu tư cơ sở giết mổ tập trung với tiêu chuẩn quốc tế.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo quyết liệt và hành động không nhân nhượng với hành vi vi phạm ATTP đã đưa đến những chuyển biến rõ rệt. Thực phẩm không an toàn không còn là vấn đề bức xúc như những năm trước đây. Các bức xúc về thực phẩm bẩn, không an toàn đã giảm mạnh, cả về số lượng, mức độ, hiện tượng. Hiện tượng “lợn hai chuồng, rau hai luống” đã giảm hẳn.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý công tác bảo đảm ATTP còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ với trên 8 triệu hộ nông dân đưa đến nhiều nguy cơ mất ATTP. Tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng còn nhiều. Ý thức của một bộ phận người dân, doanh nghiệp còn kém.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Văn Cầu chủ trì tại điểm cầu Hải Dương

Đưa ra một số định hướng làm kim chỉ nam cho các hành động bảo vệ ATTP, Thủ tướng nêu rõ quyền tiếp cận thực phẩm an toàn là quyền cơ bản của con người. Công tác bảo đảm ATTP phải được tăng cường, đây là trách nhiệm của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan chức năng. Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của cấp cơ sở trong vấn đề này.

Thủ tướng yêu cầu cần phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Trung ương ban hành văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn còn địa phương trực tiếp quản lý, thanh tra, kiểm tra, chủ động điều phối nguồn lực cho công tác bảo đảm ATTP. Tăng kinh phí Nhà nước cho công tác ATTP là cần thiết nhưng cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác này. Năm 2020 phải có bước chuyển biến thực chất, rõ nét hơn nữa về công tác ATTP ở tất cả các cấp.

Thủ tướng yêu cầu sau hội nghị này, Văn phòng Chính phủ tập hợp các ý kiến, hoàn thiện trình Thủ tướng ban hành một chỉ thị về tăng cường quản lý Nhà nước đối với ATTP.

Báo cáo của Bộ Y tế tại hội nghị cho biết 3 năm qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương, công tác bảo đảm ATTP đã có những bước chuyển biến rõ rệt. Bước đầu hoàn thiện thể chế quản lý, tiếp cận phương thức quản lý thực phẩm dựa trên quản lý nguy cơ. Tạo điều kiện thông thoáng trong sản xuất, kinh doanh, tăng cường hậu kiểm.

Hoạt động sản xuất thực phẩm an toàn có bước phát triển mạnh mẽ, nông sản, thực phẩm của Việt Nam đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, góp phần vào tăng trưởng kinh tế-xã hội. Ý thức chấp hành pháp luật về ATTP của cộng đồng được nâng cao...

TTXVN - PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không nhân nhượng với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm