Xuất khẩu lao động ở Ngọc Kỳ: Niềm vui chưa trọn

21/12/2017 08:04

Những năm gần đây, nhờ xuất khẩu lao động (XKLĐ), xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) ngày càng “thay da đổi thịt”, đời sống của người dân được cải thiện...

Ông Phạm Văn Nhị (bên phải) từng là lao động chui ở Nga với bao cực khổ

Cả làng rủ nhau xuất ngoại

Từ năm 2000, trong xã Ngọc Kỳ bắt đầu có một vài người đi XKLĐ, giúp cho cuộc sống gia đình khấm khá hơn. Nhiều người thấy thế cũng vay vốn cho con em xuất ngoại. Người dân ở đây chủ yếu sang lao động ở Nhật Bản, Đài Loan, Nga...

Ông Phạm Văn Nhị ở thôn Ngọc Lý đã có 14 năm đi XKLĐ tại Nga và hiện 8 người con cháu đang lao động, học tập ở đây. Khi đến nhà ông nhiều người cảm thấy choáng ngợp trước ngôi nhà khang trang. Ông Nhị chia sẻ: "Thu nhập từ đồng ruộng không đáp ứng đủ nhu cầu ăn học của các con nên năm 2002 tôi quyết định đi XKLĐ để tìm kiếm cơ hội đổi đời. Công việc vất vả nhưng thu nhập khá cao, có tháng được vài chục triệu đồng. Nếu không đi XKLĐ thì chưa chắc tôi đã xây dựng được ngôi nhà to thế này”. Theo ông Nhị, đa số lao động sang Nga thường buôn bán ở các chợ hoặc có điều kiện hơn thì thuê gian hàng riêng để bán.

Cũng từ Nga trở về cách đây vài năm, thời gian đi XKLĐ của anh Trịnh Đức Cường ở thôn Kim Đôi đã giúp gia đình có cuộc sống sung túc, khá giả hơn. Hiện gia đình anh có 7 người là anh em ruột đang lao động tại Nga với thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng/người/tháng. "Anh em trong gia đình tôi đều mua được ki-ốt riêng để bán hàng ở bên đó nên tạo được  nhiều việc làm cho người trong xã sang lao động", anh Cường nói.

Ông Nguyễn Xuân Thoảng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Kỳ cho biết xã hiện có 1.400 nhân khẩu thì có tới 1/4 đi XKLĐ, trong đó gần 40% XKLĐ sang Nga. Nhiều gia đình có từ 7 - 8 người cùng đi. Trung bình hằng năm, nguồn thu nhập từ XKLĐ của người dân trong xã lên đến 9 tỷ đồng. "Nhiều người đăng ký, học tiếng rồi liên hệ với các cơ quan chức năng để được xuất ngoại. Một số lao động sau khi đã nhập cư, có công việc ổn định ở Nga liền đưa anh em, họ hàng sang đó. Vì thế, lượng người đi XKLĐ ngày một tăng lên", ông Thoảng giải thích về con đường xuất ngoại của người dân.

Nhiều hộ trong xã trước đây kinh tế khó khăn, nhưng nhờ có người đi XKLĐ nên cuộc sống đầy đủ hơn. Nguồn thu nhập từ XKLĐ còn giúp người dân có điều kiện đóng góp cho những công việc chung của xã.

Phấp phỏng đi làm chui

Mong muốn được đổi đời, nhiều người dân Ngọc Kỳ lén lút đi XKLĐ chui rồi bị sập bẫy của các đơn vị môi giới. Lúc nhận ra mình bị lừa thì sự việc đã quá muộn, người thì mất tiền, người rơi vào vòng lao lý nơi xứ người.

Nhắc lại câu chuyện dính bẫy "cò" đi XKLĐ sang Nga cách đây 4 năm, ông Trịnh Văn Năm ở thôn Đại Đình vẫn chưa hết bức xúc. Theo lời quảng cáo của một điểm môi giới sang đó ông Năm sẽ có công việc tốt, mức lương cao. Thủ tục đi XKLĐ rất đơn giản, ông Năm chỉ cần nộp chi phí trọn gói 2.000 USD, giấy khám sức khỏe cùng một số giấy tờ tùy thân khác, mọi việc còn lại đều do bên môi giới lo liệu. Nhưng khi đặt chân sang Nga, ông Năm mới biết mình đã rơi vào "bẫy" của đường dây môi giới. Theo lời ông Năm, thực chất là họ cho mình sang đó theo hộ chiếu du lịch với thời hạn 3 tháng nhưng trốn lại để lao động, khi quay về nước thì nhập cảnh trái phép. Một số người bị "bán" cho các xưởng may hay còn gọi là "xưởng đen" tại những vùng heo hút. Một số người khác thì bị "đem con bỏ chợ", không có việc làm. "Tôi được đưa đến tầng hầm của một ngôi nhà cổ, là nơi hoạt động của một xưởng may. Đa số công nhân là lao động chui đến từ Việt Nam. Môi trường làm việc ẩm thấp, tất cả mọi người đều bị nhốt". Lao động chui bên đó được 4 năm, một lần ông Năm bị cảnh sát Nga bắt, phải về nước.

Chia sẻ câu chuyện 14 năm lao động ở Nga, ông Phạm Văn Nhị ở thôn Ngọc Lý thẳng thắn nhận mình là một người lao động chui. Ông Nhị nói: "Tôi đã từng trải qua những ngày tháng tủi nhục ấy. Nhẹ thì bị công an bắt, có lúc bị đánh. Cuộc sống của người đi XKLĐ chui giống như nô lệ vì không có người bảo lãnh, không có giấy tờ hợp pháp. Nhiều người trong xã đi XKLĐ sang Nga còn khó trở về nước".

Ông Thoảng thừa nhận có thực trạng người dân trong xã đi XKLĐ chui. Nguyên nhân do ở quê không có việc làm ổn định, người lao động dễ tin vào lời dụ dỗ của một số đối tượng. Một số người XKLĐ thành công đã môi giới, giới thiệu khiến nhiều người khác nuôi ước mơ "đổi đời" nơi đất khách. Những trường hợp XKLĐ chui đa phần có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, khó đáp ứng đủ điều kiện XKLĐ hợp pháp như chi phí cao, đòi hỏi phải có trình độ ngoại ngữ, tay nghề chuyên môn...

Không thể phủ nhận XKLĐ là con đường giúp người dân xã Ngọc Kỳ có việc làm, nâng cao thu nhập. Nhưng XKLĐ chui là điều đáng báo động. Xã Ngọc Kỳ cần tích cực tuyên truyền về cơ chế chính sách cho người dân tham gia XKLĐ để họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình. Cần hỗ trợ người dân lựa chọn những doanh nghiệp XKLĐ có đủ điều kiện, uy tín...

THẢO NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu lao động ở Ngọc Kỳ: Niềm vui chưa trọn