Mức trần thu phí dịch vụ là khung tham chiếu cụ thể để người lao động có thể căn cứ và so sánh xem mức thu của các công ty phái cử mình đang tham gia có hợp lý hay không.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đang được. Một trong những đề xuất đáng lưu ý là các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động (XKLĐ) không được thu phí dịch vụ từ NLĐ cao hơn mức trần đã quy định nhằm đảm bảo tính minh bạch của thị trường.
Thêm công cụ bảo vệ người lao động
So với các văn bản trước, dự thảo lần này sẽ quy định cụ thể mức trần tiền dịch vụ thu từ NLĐ đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể để DN dễ dàng làm căn cứ thực hiện trong quá trình triển khai chương trình XKLĐ. Việc cụ thể hoá từng ngành, nghề, công việc còn giúp cơ quan chuyên môn quản lý tốt hơn vấn đề thu phí dịch vụ của các DN phái cử.
Một khóa huấn luyện hộ lý tại Việt Nam chuẩn bị cho xuất khẩu lao động
Đáng chú ý, mức trần tiền dịch vụ thu từ NLĐ tại thị trường Nhật Bản được quy định là không thu tiền đối với thực tập sinh (TTS) Kỹ năng số 3 (hay nói cách khác là các trường hợp TTS chuyển đổi hình thức mà không có sự thay đổi DN dịch vụ và tổ chức quản lý) và lao động kỹ năng đặc định (các trường hợp đã hoàn thành chương trình TTS Kỹ năng số 2 hoặc TTS Kỹ năng số 3 chuyển đổi sang visa Tokutei). Bên cạnh đó, đối với lao động kỹ thuật cao, lao động xây dựng đóng tàu theo chế độ hoạt động đặc định thì tiền dịch vụ là 2 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng. Đây là một trong những nội dung cập nhật quan trọng nhất đối với lao động Việt Nam ở thị trường Nhật Bản hiện tại. Tiếp nhận thông tin này, anh Nguyễn Sĩ Bảo, 29 tuổi, hiện đang làm hồ sơ chuyển đổi visa tokutei ở tỉnh Ibaraki (Nhật Bản) bày tỏ: "Những TTS đang sắp thay đổi loại hình visa mới như tôi rất phấn khới với những quy định cụ thể lần này, bởi sẽ không bị ép phải trả thêm phí để được hỗ trợ chuyển đổi từ các công ty cũ hoặc không bị các "cò visa" ở Nhật Bản lợi dụng".
Đối với thị trường Đài Loan (Trung Quốc), mức trần tiền dịch vụ đối với hợp đồng chăm sóc sức khỏe, hộ lý là 2 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng; đối với kháng hộ công gia đình, nông nghiệp, thuyền viên tàu cá gần bờ là 1 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng. Đặc biệt, lao động làm việc tại gia đình tại các thị trường Malaysia và các nước khu vực Trung Đông không phải đóng tiền dịch vụ. Về khía cạnh hỗ trợ tối đa cho NLĐ của các đề xuất mới, bà Trần Thị Thu, Giám đốc Công ty CP Nhân lực Quốc tế JCM đánh giá: "Các nội dung dự thảo lần này đều hướng tới mục đích bảo vệ NLĐ tốt hơn. Mức trần thu phí dịch vụ cũng là khung tham chiếu rất cụ thể để NLĐ có thể tự căn cứ và so sánh xem mức thu của các công ty phái cử mình đang tham gia có hợp lý hay không. Từ đó NLĐ có thêm công cụ tự bảo vệ chính mình trước những đối tượng có hành vi lừa đảo".
Cạnh tranh lành mạnh
Bên cạnh đó, dự thảo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng quy định cụ thể mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới tại một số thị trường, ngành nghề. Cụ thể, đối với mọi ngành nghề tại thị trường Nhật Bản và Thái Lan; thực tập viên trên tàu cá xa bờ tại Hàn Quốc; lao động làm việc tại gia đình ở Malaysia, Brunei, các nước khu vực Trung Đông không thu thù lao theo hợp đồng môi giới.
Tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc), mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới đối với hợp đồng chăm sóc sức khỏe, hộ lý là 1 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng; đối với khán hộ công gia đình, nông nghiệp, thuyền viên tàu cá gần bờ là 0,5 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng; thuyền viên tàu cá xa bờ, tàu hàng thì không thu thù lao theo hợp đồng môi giới. Tại Macau, các nước khu vực châu Âu, Australia, mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới của mọi ngành, nghề là 1 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng. Không chỉ cập nhật để bảo vệ NLĐ tốt hơn, các nội dung mới còn được đánh giá sẽ giúp cho các DN phái cử tự tin cạnh tranh lành mạnh và phát triển với con đường hoạt động chính quy, chuyên nghiệp. Bà Trương Nguyễn Quế Chi, Giám đốc Công ty XKLĐ Nhật Bản Texgamex-Việt Nam cho biết: "Đây là động thái cần thiết để chấn chỉnh lại hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc nước ngoài trong giai đoạn sắp tới. Việc tạo ra mức trần cũng là cách để cơ quan quản lý tạo ra không gian tự định dành cho các công ty cân đối phương án tài chính cho phù hợp. Từ đó sẽ tạo ra một thị trường XKLĐ minh bạch thông tin, phục vụ tốt cho các nhu cầu việc làm ngoài nước của NLĐ".
Theo những thông tin đúc kết trong bài nghiên cứu "Tình trạng bất cân xứng thông tin trong hoạt động dịch vụ đưa nguồn lao động chất lượng cao đi làm việc tại Nhật Bản – Thực trạng và giải pháp tại TP Hồ Chí Minh" của nhóm tác giả Huỳnh Hồ Đại Nghĩa – Nguyễn Lâm Trâm Anh thì tình trạng bất cân xứng thông tin giữa NLĐ – cơ quan quản lý nhà nước hay NLĐ – công ty phái cử là rất phổ biến trong những năm gần đây và gây ra nhiều hệ luỵ tiêu cực. Trong đó vấn đề bất cân xứng thông tin về chi phí đã vô tình đẩy NLĐ vào tình trạng bị lừa tiền bởi các đối tượng xấu. Những cập nhật trong dự thảo thông tư lần này, đặc biệt là ở các nội dung về mức phí và cách thu được đánh giá sẽ giúp khắc phục đáng kể tình trạng nói trên.
Tạo khung pháp lý hoàn chỉnh Theo đánh giá của các DN phái cử, với các chiến lược phòng chống dịch quyết liệt như hiện tại của Việt Nam, tình hình dịch bệnh Covid 19 sẽ được cải thiện và kéo theo sự phục hồi của lĩnh vực XKLĐ động. Khi đó những nội dung đề xuất mới sẽ chính thức đi vào đời sống của DN và NLĐ. Nhưng những nội dung đề xuất bổ sung lần này rất kịp thời, đáp ứng tốt với những thay đổi trong chính sách tuyển dụng lao động xuất khẩu. Các nội dung đề xuất sẽ tạo ra khung pháp lý hoàn chỉnh để bảo vệ NLĐ trước những chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi của các công ty "ma". |
Theo Người lao động