Nếu nghi ngờ bị đâm bởi kim tiêm nghi nhiễm HIV, cần bình tĩnh, rửa sạch vết thương, tuyệt đối không cố nặn máu ra, đến ngay cơ sở y tế.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thành Dũng, phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho biết khi bị người lạ đâm kim tiêm hoặc dẫm phải vật sắc nhọn có dính máu, người bị đâm xem là có khả năng nhiễm HIV (phơi nhiễm). Việc xử trí ban đầu là rất cần thiết và điều trị dự phòng phơi nhiễm là không thể bỏ qua.
Thông thường trong trường hợp này, nạn nhân có tâm lý sợ hãi nên cố gắng nặn máu ra càng nhiều càng tốt. Theo bác sĩ Dũng, cách xử trí này hoàn toàn sai. Nắn bóp vết đâm vô tình tạo ra thêm những tổn thương viêm, làm tăng khả năng virus xâm nhập vào cơ thể.
Do vậy, bác sĩ khuyên trong bất kỳ tình huống bị tấn công bởi kim tiêm, dù có dính máu HIV hay không, điều đầu tiên cần nhớ là thật bình tĩnh để xử trí đúng cách. Dù kim tiêm chứa HIV thì virus cần có thời gian mới xâm nhập được vào cơ thể. Hơn nữa, điều trị dự phòng sau phơi nhiễm giúp giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm.
"Không phải tất cả trường hợp bị đâm kim tiêm dính máu HIV đều dẫn đến lây nhiễm bệnh", bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
Cách xử trí vết thương đúng là nhanh chóng dị vật gây tổn thương, chảy máu ra khỏi cơ thể (nếu có). Rửa ngay vết thương dưới vòi nước. Tránh cầm máu hoặc bịt chặt vết thương ngay, nên để vết thương tự chảy trong thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương. Sau đó, rửa kỹ lại vết thương bằng xà phòng và nước sạch.
Khi đến cơ sở y tế, người phơi nhiễm sẽ được đánh giá nguy cơ lây nhiễm HIV. Bác sĩ Dũng nói, nếu da có tổn thương nông, không chảy máu hoặc chảy máu ít; hoặc máu và chất dịch cơ thể của người có HIV bắn vào vùng niêm mạc không bị tổn thương, viêm loét, thì nguy cơ lây nhiễm thấp.
Riêng trường hợp da nạn nhân có tổn thương sâu, rộng, chảy nhiều máu; hoặc máu và chất dịch cơ thể của người có HIV bắn vào các vùng da, niêm mạc bị tổn thương viêm loét rộng có sẵn thì có nguy cơ lây nhiễm cao.
Nhân viên y tế sẽ thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra xem người bị nạn đã nhiễm HIV chưa. Việc điều trị có thể bắt đầu ngay khi chưa có kết quả xét nghiệm. Tuy nhiên, nếu kết quả xét nghiệm HIV dương tính, tức người bị nạn đã nhiễm HIV từ trước, thì phải dừng điều trị phơi nhiễm ngay.
Xét nghiệm HIV lại sau 3 tháng kể từ thời điểm bị phơi nhiễm hoặc có yếu tố nguy cơ. Nếu kết quả xét nghiệm là âm tính, có thể yên tâm rằng không bị lây nhiễm HIV trong tình huống bị nạn đó.
Bác sĩ Dũng khẳng định, điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV hiệu quả bảo vệ rất cao, lên đến 90-95% trong vài giờ đầu và duy trì trong khoảng 72 giờ tính từ thời điểm phơi nhiễm. Hiệu quả này giảm dần theo thời gian đến viện điều trị sau khi bị đâm. Do vậy, người bị phơi nhiễm cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được điều trị càng sớm càng tốt, không nên trễ quá thời gian cho phép là 72 giờ. Thời gian điều trị dự phòng phơi nhiễm phải kéo dài liên tục trong 28 ngày. Thuốc điều trị là thuốc uống, sử dụng phối hợp ba loại thuốc kháng siêu vi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Một số lưu ý khi dùng thuốc điều trị dự phòng HIV mà người phơi nhiễm cần nhớ là tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị, tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc khi chưa có ý kiến bác sĩ. Thuốc kháng virus có thể gây ra một số tác dụng phụ trong những ngày đầu, sau đó cơ thể sẽ quen dần.
Theo Vnexpress