Thời gian gần đây, trong tỉnh có một số trường hợp đăng tải, lan truyền những thông tin không chính xác về tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV.
Phóng viên Báo Hải Dương phỏng vấn đồng chí trung tá Nguyễn Tuấn Thành, Phó Trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh) về vấn đề này.
- Thưa đồng chí, tác hại của hành vi đăng tải, lan truyền những thông tin không chính xác về tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra như thế nào?
- Những thông tin không chính xác được lan truyền rộng rãi trong dư luận khiến người dân hoang mang; ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả công tác phòng chống dịch của chính quyền và các cơ quan chức năng. Cá biệt, có trường hợp có thể làm giảm sự tin tưởng vào những thông tin chính thống và hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch của Đảng, Nhà nước ta, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất trật tự xã hội.
- Người vi phạm thường do động cơ gì?
Từ những sự việc, cá nhân bị phát hiện, xử lý trong tỉnh và trên cả nước, chúng tôi có thể tạm phân loại thành mấy dạng động cơ đăng tải những thông tin thất thiệt này. Thứ nhất, là những trường hợp cứ nghe hay đọc được thông tin nào là đăng-cũng có thể với mục đích tốt là cảnh báo cho cộng đồng (thậm chí sửa lại nội dung tin cho thêm phần hệ trọng) nhưng không xác minh hay kiểm chứng nguồn tin. Thứ hai, đối tượng đăng tải muốn thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng đối với trang Facebook, Zalo cá nhân… nhằm được “nổi tiếng”. Thứ ba, đăng tin thất thiệt để nhiều người theo dõi... rồi bán được nhiều hàng. Và nguy hiểm nhất là dạng đăng tin nhằm cố tạo sự bất an trong dư luận xã hội.
- Chế tài xử lý các hành vi trên như thế nào và lực lượng Công an tỉnh có những biện pháp, giải pháp nào để ngăn chặn các thông tin thất thiệt trên mạng xã hội?
- Những trường hợp phao tin đồn sai sự thật nhằm xuyên tạc, câu like hoặc phục vụ cho mục đích kinh doanh qua mạng... thì người đăng tin sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 3, điều 64 Nghị định 174/2013-NĐ/CP ngày 13.11.2013 của Chính phủ với mức phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với tổ chức, từ 10 đến 15 triệu đồng đối với cá nhân.
Đặc biệt, từ ngày 15.4.2020, Nghị định 15/2020/NĐ-CP (thay thế Nghị định 174/2013-NĐ/CP) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có hiệu lực sẽ có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội.
Đối với những vụ việc có tính chất, mức độ, mục đích và hậu quả ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 8 Luật An ninh mạng, hoặc điều 288 Bộ luật Hình sự.
Ngay từ khi có thông tin về dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã tăng cường đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin giả mạo, thất thiệt.
Đến ngày 9.2, lực lượng công an trong tỉnh đã phát hiện, xác minh 11 trường hợp trong tỉnh vi phạm, trong đó đã xử lý hành chính 4 trường hợp tại các huyện Bình Giang, Kim Thành với tổng số tiền phạt 50 triệu đồng. Các trường hợp còn lại, lực lượng công an đang củng cố hồ sơ để tiếp tục xử lý. Các đối tượng vi phạm cũng đã buộc phải gỡ bỏ ngay toàn bộ nội dung đăng tải không đúng sự thật và yêu cầu viết cam kết không tái phạm.
Bên cạnh các biện pháp của cơ quan công an, mọi người cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, tinh thần cảnh giác trong việc đăng tải, chia sẻ và tiếp nhận các thông tin trên mạng xã hội. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm, chúng tôi xin khẳng định mạng ảo nhưng pháp luật thật, mọi hành vi vi phạm đều sẽ bị phát hiện và xử lý nghiêm minh.
- Xin cảm ơn đồng chí!
HẠO NHIÊN(thực hiện)