Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đã chia sẻ về một số biện pháp xây dựng kế hoạch phục vụ Tết và các phương án cung ứng hàng hóa kể cả trong điều kiện có dịch.
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Tiếp nối những kết quả đã đạt được trong việc chỉ đạo, điều hành nhằm bảo đảm hàng hóa thiết yếu cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sắp tới, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) nói về một số biện pháp xây dựng kế hoạch phục vụ Tết và các phương án cung ứng hàng hóa kể cả trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
- Ông có thể chia sẻ về xu hướng tiêu dùng năm nay và kế hoạch cung ứng hàng hóa trong dịp Tết Nhâm Dần sắp tới?
Ông Trần Duy Đông: Dịch COVID-19 trong năm 2021 diễn biến phức tạp và kéo dài tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước gây ảnh hưởng tới nhiều hoạt động kinh tế, thương mại và dịch vụ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất, nhiều lao động mất việc làm, thu nhập của người dân nhìn chung đều giảm.
Bởi vậy, dự kiến sức mua trong các tháng cuối năm nay sẽ giảm so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Hơn nữa, sau đợt dịch vừa qua, phương thức mua hàng cũng có nhiều thay đổi từ trực tiếp theo phương thức truyền thống sang trực tuyến nhằm tránh đến những nơi đông người, giảm nguy cơ dịch bệnh.
Để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Bộ Công thương chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp và đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa và phương án cung ứng hàng hóa kể cả trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, bộ còn triển khai chương trình bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định; thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo cũng như tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Không dừng lại ở đó, Bộ Công thương tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động; đôn đốc việc sớm có phương án mở lại hoạt động của các chợ truyền thống với điều kiện bảo đảm an toàn phòng chống dịch COVID-19.
Mặt khác, bộ sẽ chủ động làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, chú trọng đến tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết.
Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, ủy ban nhân dân và Sở Công thương các tỉnh, thành phố, đơn vị có liên quan trên cả nước kịp thời xử lý các khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa; phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch.
- Ông có thể cho biết phương án cụ thể về mạng lưới cung ứng cũng như hệ thống dữ trữ hàng hóa nhằm đáp ứng nguồn cung hàng hoá nhất là khi dịch COVID-19 lây nhiễm ở cấp độ cao?
Ông Trần Duy Đông: Để chủ động bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của người dân, Bộ Công thương đã chỉ đạo, đôn đốc các địa phương trên cả nước xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa theo từng cấp độ diễn biến của dịch COVID-19 và có kế hoạch hỗ trợ cung ứng cho các địa phương khác khi cần thiết.
Do đó, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân phối trên địa bàn có phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu.
Hơn nữa, mạng lưới cung ứng hàng hóa cho người dân được thực hiện thông qua các kênh phân phối truyền thống như chợ đầu mối, chợ truyền thống và các kênh phân phối hiện đại như hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, siêu thị mini, các cửa hàng tiện ích.
Tại các địa phương, việc dự trữ hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm… thường được giao cho các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường hoặc các doanh nghiệp có hệ thống phân phối rộng trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Trong trường hợp xảy ra biến động thị trường, thông qua các doanh nghiệp này cơ quan quản lý nhà nước có thể thực hiện việc điều tiết, kịp thời bổ sung, chi viện hàng hóa giữa các địa phương hoặc các vùng để tránh nguy cơ đứt gãy nguồn cung hàng hóa.
Bên cạnh đó, từ những kinh nghiệm triển khai các phương thức cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân khi dịch bệnh bùng phát kéo dài tại các địa phương như TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống bị đóng cửa gây khó khăn cho việc bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân, các địa phương sẽ triển khai nhiều phương thức bán hàng thay thế trong thời gian các chợ tạm dừng.
Chẳng hạn như mô hình “mang chợ ra phố”; bố trí các điểm bán hàng, xe bán hàng lưu động, các điểm bán hàng bình ổn giá, điểm bán hàng cố định, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu và thậm chí có cả những “siêu thị 0 đồng,” không chỉ đảm bảo việc cung ứng hàng hóa mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
Tại các chợ vẫn hoạt động, chính quyền địa phương tổ chức phương án cho người dân đi chợ bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch như phát phiếu đi chợ theo ngày để giảm tần suất và kiểm soát số lượng người vào chợ, tổ chức thông qua các lực lượng đi chợ hộ…
Trong trường hợp thực hiện tăng cường giãn cách xã hội khi dịch bệnh lây nhiễm ở cấp độ cao, người dân không ra khỏi nhà, việc cung ứng hàng hóa được thực hiện qua hệ thống phân phối cùng lực lượng hỗ trợ đi chợ hộ, cung ứng hàng hóa qua các Tổ COVID cộng đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ, ngành để ưu tiên tiêm phòng vaccine cho người lao động trong chuỗi cung ứng phân phối hàng hóa; hỗ trợ về nguồn nhân lực bán hàng, giao hàng, kho vận, tài xế cũng như hướng dẫn phương án xử lý trong trường hợp có ca F0 tại cửa hàng, kho hàng.
Với những biện pháp trên, các hệ thống phân phối bán lẻ lớn như Saigon Co.op, Satramart, Big C, Vincomerce, Mega Market, Aeon Việt Nam, chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh... sẽ duy trì được hoạt động trong điều kiện bảo đảm an toàn phòng dịch, giữ bình ổn giá hàng hóa thiết yếu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng sẽ chủ động trong việc đa dạng hóa các hình thức bán hàng để giúp người dân dễ dàng tiếp cận và mua hàng hóa.
Về lâu dài, Bộ Công thương đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành liên quan tại địa phương căn cứ điều kiện thực tế, đặc thù của từng chợ để nghiên cứu mở các điểm này trên cơ sở đáp ứng quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Riêng với TP Hồ Chí Minh, cùng với việc duy trì, mở lại các chợ truyền thống, cần có phương án mở lại các chợ đầu mối.
Trước mắt tập trung mở các địa điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nhằm kịp thời tiếp nhận nguồn thực phẩm từ các địa phương khác, góp phần giảm tải cho hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi và trung tâm thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh, hỗ trợ tiêu thụ nông sản… cho các tỉnh phía Nam.
Tiếp đó, Bộ Công thương đã có văn bản gửi ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn bố trí địa điểm tạm thời và mở lại chợ sau thời gian tạm thời đóng cửa để bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19.
- Với vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, ông có khuyến cáo gì xung quanh tình trạng người tiêu dùng lo ngại thiếu nguồn cung thực phẩm, nhất là thời điểm Tết đang cận kề?
Ông Trần Duy Đông: Bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Bộ Công thương nói chung và Vụ Thị trường trong nước nói riêng.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương. (Nguồn: VOV)
Đặc biệt, Bộ Công thương đã thành lập Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và hỗ trợ duy trì sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng như các Tổ công tác đặc biệt nhằm phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương các tỉnh, hệ thống phân phối cung ứng hàng hóa để kịp thời có phương án điều tiết hàng hóa trong trường hợp cần thiết.
Kinh nghiệm trong các đợt dịch vừa qua cho thấy, nguồn cung hàng hóa thiết yếu vẫn luôn được bảo đảm, kể cả trong giai đoạn phải giãn cách xã hội tại các địa phương để phòng chống dịch. Việc thiếu hàng chỉ xảy ra cục bộ tại một số thời điểm do người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ.
Để chủ động trong việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của người dân, thời gian qua, Bộ Công thương đã chỉ đạo, đôn đốc các địa phương trên cả nước xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa theo từng cấp độ diễn biến của dịch COVID và có kế hoạch hỗ trợ cung ứng cho các địa phương khác khi cần thiết.
Do đó, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân phối trên địa bàn có phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu.
Báo cáo của các địa phương cho thấy hiện nay, kể cả ở những địa phương áp dụng đánh giá nguy cơ dịch bệnh cấp độ cao như Phú Thọ, tình hình cung ứng hàng hóa cũng cơ bản thông suốt, không xảy ra tình trạng thiếu hàng sốt giá.
Vì vậy, người dân có thể yên tâm, không nên mua tích trữ nhiều hàng hóa, đồng thời chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và địa phương, nhất là luôn chú ý thực hiện yêu cầu 5K và thông điệp của Bộ Y tế để bảo đảm an toàn, phòng chống dịch.
- Xin trân trọng cảm ơn ông./.
Theo TTXVN