Nước rươi này có nhiều rươi, rươi cũng to nhất kể từ đầu vụ nên nhiều khách hàng ở Hà Nội đặt mua.
Nước rươi Hải Dương tiếp theo trong năm nay đã bắt đầu từ sáng 30/11 và dự kiến kéo dài 3-4 ngày. Chỉ trong buổi sáng ngày 30/11, chị Nguyễn Thị Thuỷ ở số 1 Nguyễn Chí Thanh (TP Hải Dương) đã bán hết 250 kg rươi.
Chị Thuỷ quê gốc ở xã An Thanh (Tứ Kỳ) - địa phương được coi là "vựa rươi" ở tỉnh Hải Dương với hàng trăm ha đang cho khai thác. Chị cho biết kể từ đầu vụ, đây là nước rươi thứ 3. So với 2 nước trước, rươi nước này nhiều, to, đồng đều hơn hẳn.
Chị thu gom rươi của bà con dưới quê rồi mang lên TP Hải Dương rửa sạch, đóng vào từng hộp nhựa với trọng lượng từ 0,5-1 kg để bán cho khách.
Khách hàng nhà chị Thuỷ chủ yếu ở Hà Nội. Mẻ này, có người ở thủ đô đặt mua khoảng 100 kg để làm quà biếu. Chị đóng rươi vào từng hộp nhựa, xếp trong thùng xốp có đá lạnh để bảo quản rồi gửi đi cho khách.
Anh Nguyễn Văn Toàn (quê Tứ Kỳ) đang công tác tại Hà Nội cho biết đợt này về quê anh lấy hộ gần 80 kg rươi để mang lên cho bạn bè, đồng nghiệp nhờ mua hộ. Người Hà Nội thích ăn món chả rươi, nhất là trong tiết trời se lạnh như hiện nay. Họ thường chọn mua rươi Hải Dương vì to, đỏ, nhiều bột, khi chế biến ăn thơm ngon hơn rươi mua ở một vài nơi khác.
Nước rươi này to nhất kể từ đầu vụ nên bán được giá. Rươi sau khi làm sạch, đóng trong từng hộp nhựa được bán với giá 330.000 đồng/kg, cao hơn 50.000 đồng so với 2 nước rươi trước.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sáng 30/11, nhiều nông dân ở các xã An Thanh, Tứ Xuyên (Tứ Kỳ), Vĩnh Lập (Thanh Hà)... đã bắt đầu khai thác nước rươi thứ 3.
Ông Phạm Xuân Luận, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã An Thanh cho biết do ảnh hưởng của bão số 3 nên việc khai thác rươi năm nay diễn ra muộn hơn. Nước rươi thứ 3 này mới là nước rươi chính vụ. Con rươi chính vụ đã trưởng thành nên to, đồng đều. Nhiều khách tỉnh ngoài, phần đông là ở Hà Nội đã đặt mua rươi qua mạng xã hội hoặc nhờ người quen mua hộ rồi gửi lên bằng xe ô tô dịch vụ.
2 nước rươi trước, nông dân xã An Thanh thu bình quân 10 kg rươi/sào. Nước rươi này khả năng sẽ cho năng suất khoảng 15-25 kg/sào.
Nông dân các vùng khai thác rươi ở Hải Dương đang tận dụng triệt để mạng xã hội Facebook, Zalo, sàn giao dịch điện tử để quảng bá, bán rươi đến khách hàng trong nước.
Một số nông dân cho biết qua mạng xã hội, có ngày họ bán được từ vài chục kg đến hàng tạ rươi. Nước rươi này, bà con bán rươi tại ruộng với giá từ 280.000-300.000 đồng/kg. Khách đặt mua qua mạng sẽ phải trả thêm phí mua hộp nhựa, cước vận chuyển...
Vùng khai thác rươi ở Hải Dương phân bố chủ yếu ở các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà. Rươi chính vụ hằng năm thường bắt đầu từ tháng 9 âm lịch và kéo dài khoảng 2 tháng. Rươi được bán tại nhiều nhà hàng. Con đặc sản này khi kết hợp với nhiều loại gia vị đồng quê sẽ tạo nên một loạt món ăn thơm ngon, bổ dưỡng như: rươi rán, rươi nấu măng, rươi xào củ kiệu, rươi nấu rau cải đắng, nem rươi, rươi đốt, lẩu rươi. Ở một vài nơi, rươi đã được phát triển thành sản phẩm OCOP.