Xóa bỏ định kiến giới

12/12/2021 07:30

Bên cạnh tác động từ bên ngoài thì trong mỗi gia đình, bản thân mỗi người cần nhận thức đúng đắn về quyền bình đẳng giới, trong đó vai trò lớn thuộc về nam giới.

Mới đây trên game show truyền hình "Hành lý tình yêu" của VTV, một thanh niên đã bày tỏ quan điểm chọn vợ với hàm ý "chúng ta sẽ ly hôn nếu em không sinh được con trai" và giải thích mỗi khi trong gia đình có giỗ thì con trai là trụ cột, còn con gái chỉ ngồi mâm dưới. Ngay lập tức, chi tiết này được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, thu hút rất nhiều ý kiến bình luận trái chiều. Nhiều ý kiến không đồng tình với quan điểm này, cho rằng "thời đại nào rồi mà còn suy nghĩ cổ hủ, ấu trĩ đến như thế", "thế kỷ 21 rồi mà còn phân biệt con trai với con gái"...

Thật đáng buồn khi câu chuyện này lại xảy ra giữa lúc chúng ta đang hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2021 (từ ngày 15.11 - 15.12) với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã không ngừng hoàn thiện khung pháp luật, các chính sách về quyền bình đẳng trên lĩnh vực bình đẳng giới. Chúng ta đã có Luật Bình đẳng giới và thông qua các công ước quốc tế như Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em...

Tuy nhiên, định kiến giới và tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại ở trong một bộ phận gia đình, dân cư của xã hội. Định kiến giới xuất phát từ tư tưởng Nho giáo, sự ưa thích con trai là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam nói chung và Hải Dương nói riêng. Trong nhiều năm qua, Hải Dương luôn là 1 trong những địa phương có chênh lệch giới tính khi sinh (trẻ trai nhiều hơn trẻ gái) cao nhất cả nước. Không ít người Việt quan niệm "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", đàn ông là trụ cột trong gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn. Còn phụ nữ thì chỉ nên quanh quẩn với việc nội trợ, chăm sóc chồng con...

Trở lại với câu chuyện của nam thanh niên trong game show trên, sau khi sự việc xảy ra, có ý kiến cho rằng đây chỉ là tình tiết câu view trên sóng truyền hình. Bỏ qua chi tiết này, cái đáng quan tâm là quan điểm này không hẳn không có trong thực tế. Có người khi vào bình luận còn thẳng thắn nói rằng "đây là tư tưởng đám đông", song không phải ai cũng dám công khai...

Chính những quan niệm lỗi thời này khiến cho nỗ lực thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em trở nên khó khăn hơn. Mặt khác, nó cũng tạo nên rào cản lớn khiến phụ nữ có tư tưởng "an phận thủ thường", sẵn sàng chấp nhận, thỏa hiệp với mọi định kiến về giới. Trong tài liệu tuyên truyền về Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2021 của Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh nêu rõ: Theo những nghiên cứu về bạo lực giới ở Việt Nam do Quỹ Dân số Liên hợp quốc cung cấp, 58% số phụ nữ kết hôn đã từng bị bạo hành, 5% số phụ nữ có thai bị bạo hành về thể chất, 87% số phụ nữ bị chồng bạo hành về thể chất hoặc tình dục không tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ tư pháp hoặc các dịch vụ thiết yếu khác. Bạo lực giới và lựa chọn giới tính thai nhi đều bắt nguồn từ các quan điểm gia trưởng và quan niệm tiêu cực về nam tính, dựa trên sức mạnh thể chất, quyền lực.

Thiết nghĩ, toàn xã hội cần có những động thái tích cực hơn nữa để xóa bỏ định kiến về giới. Bên cạnh tác động từ bên ngoài thì trong mỗi gia đình, bản thân mỗi người cần nhận thức đúng đắn về quyền bình đẳng giới, trong đó vai trò lớn thuộc về nam giới. "Sẽ không có bình đẳng giới nếu không có sự tham gia của nam giới trong công việc gia đình và chấm dứt bạo hành với phụ nữ và trẻ em gái”, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đã khẳng định như thế tại Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021.

THANH NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xóa bỏ định kiến giới