Trong trường hợp các bên không công chứng, chứng thực tính pháp lý (tính an toàn) của hợp đồng không cao, gây khó khăn cho tổ chức tín dụng khi xử lý thế chấp...
Qua nghiên cứu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tôi cho rằng phải cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng việc bổ sung quyền đối với trường hợp thuê đất trả tiền hằng năm. Theo điểm b, khoản 3, điều 28 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: “Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên”.
Như vậy, hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất không bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực (chỉ thực hiện khi các bên yêu cầu). Trong trường hợp các bên không công chứng, chứng thực tính pháp lý (tính an toàn) của hợp đồng không cao, gây khó khăn cho tổ chức tín dụng khi xử lý thế chấp và cơ quan có thẩm quyền giải quyết khi có tranh chấp. Đồng thời, nhà đầu tư có thể lợi dụng chính sách này để vay vốn ngân hàng nhưng không có khả năng trả nợ, dẫn đến mất an toàn hệ thống tín dụng.
Mặt khác, việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm cũng có thể dẫn đến khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo đảm thu đầy đủ khoản tiền thuê đất hằng năm, nhất là trong trường hợp bên thế chấp mất khả năng thanh toán.
Ngoài ra, nếu quy định như vậy sẽ thiếu công bằng giữa các trường hợp thuê đất trả tiền một lần và thuê đất trả tiền hằng năm.
Vì vậy cần cân nhắc quy định tại điểm b, khoản 3, điều 28 với quy định tại điểm b, c khoản 1 điều 36 dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) để bảo đảm tính thống nhất, khả thi, hiệu lực, hiệu quả. Tôi kiến nghị trong điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết cần bổ sung, làm rõ nội dung này.
VŨ THỊ NGA
Trưởng Phòng Xây dựng và Phổ biến pháp luật (Sở Tư pháp)