Xã Cẩm Hoàng phát triển chăn nuôi bền vững

16/02/2023 15:30

Chăn nuôi an toàn sinh học đang là hướng đi được nhiều trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) lựa chọn. Đây là hướng đi bền vững vừa mang lại hiệu quả cao, vừa bảo vệ môi trường.

Việc xử lý nền chuồng nuôi gà bằng men vi sinh giúp hạn chế phát sinh mùi hôi ra môi trường

An toàn sinh học

Cẩm Hoàng là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển các mô hình nuôi thủy sản. Dù vậy, những năm gần đây, nguồn nước chính để nuôi thủy sản lấy từ hệ thống Bắc Hưng Hải và sông Bùi (tỉnh Bắc Ninh) bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cá thường xuyên bị bệnh, hiệu quả chăn nuôi thấp, trong khi chi phí phát sinh cao. Để khắc phục tình trạng này, nhiều hộ đã chuyển sang hướng chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng các men vi sinh để xử lý môi trường nước. Phương pháp này vừa tăng hiệu quả kinh tế, vừa giúp giảm chi phí chăn nuôi.

Gia đình anh Bùi Quang Chuẩn là một trong những hộ đầu tiên của xã Cẩm Hoàng tham gia mô hình chăn nuôi an toàn sinh học. Anh Chuẩn cho biết: “Chỉ cần một lọ men vi sinh nhỏ, cám gạo, đường cùng nước sạch ủ trong môi trường yếm khí từ 7 - 10 ngày thì sẽ thu được thành phẩm là thùng men vi sinh. Men vi sinh có tác dụng làm sạch đáy ao, sạch môi trường nước giúp giảm tình trạng cá bị bệnh. Chi phí mỗi vụ cá không quá 1 triệu đồng. Thêm các loại men này vào thức ăn, nước uống giúp tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi”. Nhờ áp dụng phương pháp này, mỗi năm, trang trại rộng 20.000 m2 của anh Chuẩn cho thu lãi trên 200 triệu đồng. Đặc biệt, ngoài phát triển chăn nuôi tổng hợp, trang trại của anh còn kết hợp với mô hình kinh doanh cà phê cũng mang lại hiệu quả cao khi xây dựng được không gian xanh, thoáng mát thu hút người dân trong vùng.

Gia trại chăn nuôi tổng hợp rộng 1,5 mẫu của ông Nguyễn Xuân Chuyển (ở thôn Phượng Hoàng) đang nuôi 3.000 gà thịt và 200 con lợn. Những năm trước, ông Chuyển đã áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm nhưng vẫn có thời điểm đàn vật nuôi bị nhiễm bệnh. Năm 2019, toàn bộ đàn lợn của gia trại buộc phải tiêu hủy do nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Đàn gia cầm vẫn mắc một số bệnh gây thiệt hại lớn. Từ khi gia đình ông Chuyển được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cẩm Giàng tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật và áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học thì đàn vật nuôi phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh. Nền chuồng được phủ bằng đệm lót sinh học. Như vậy, toàn bộ chất thải của lợn được vi sinh vật có lợi phân hủy, không thải ra môi trường bên ngoài như nuôi theo cách truyền thống. Đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, ít bệnh nên chi phí chăn nuôi cũng giảm nhiều so với trước. Mỗi năm, gia trại tổng hợp của ông cho thu lãi từ 500 - 600 triệu đồng, tăng gấp đôi so với chăn nuôi thông thường. 

Bà Nguyễn Thị Kim Lan, Trưởng Ban Thú y xã Cẩm Hoàng cho biết: “Cẩm Hoàng có thế mạnh phát triển chăn nuôi thủy sản. Cả xã có gần 600 hộ chăn nuôi, trong đó có hơn 200 hộ phát triển chăn nuôi gia trại và trang trại chăn nuôi tổng hợp, số còn lại là chăn nuôi nhỏ lẻ. Để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, xã đã hình thành các tổ, hội chăn nuôi nghề nghiệp để hỗ trợ nhau. Do chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nên trên địa bàn xã không phát sinh các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm”.

Người nuôi cá ở xã Cẩm Hoàng sử dụng men vi sinh, môi trường nước được cải thiện đã hạn chế tình trạng cá chết do dịch bệnh

Môi trường xanh

Do có nhiều hộ chăn nuôi vừa và nhỏ, một số gia trại nằm xen trong khu dân cư nên ngoài hiệu quả kinh tế thì vấn đề xử lý chất thải, nước thải luôn được chính quyền và người dân quan tâm. Ông Nguyễn Xuân Chuyển cho biết, các chuồng nuôi gia súc, gia cầm gần khu nhà ở của gia đình nhưng rất ít phát sinh mùi khó chịu. Việc xử lý nền chuồng nuôi bằng đệm lót sinh học giúp giảm từ 80 - 90% mùi hôi do chất thải của lợn thải ra môi trường. Đây là mô hình mang lại “lợi ích kép”, vừa tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ đàn vật nuôi, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 

Những năm gần đây, các hộ chăn nuôi ở xã Cẩm Hoàng đã thực hiện nhiều giải pháp, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất để phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường như phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAHP, sử dụng các chế phẩm sinh học trong việc xử lý chất thải và xây dựng bể biogas, sử dụng máy tách ép phân, đệm lót sinh học… Đến nay, 100% số trang trại, gia trại chăn nuôi trên địa bàn đã có hệ thống xử lý chất thải, nước thải. 

Anh Nguyễn Đình Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Hoàng khẳng định, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh là phương pháp hữu hiệu giúp người chăn nuôi chủ động khống chế bệnh dịch cho đàn vật nuôi, tạo được sản phẩm an toàn, chất lượng. Đây cũng là phương pháp hữu hiệu để địa phương phát triển chăn nuôi đi đôi với bảo vệ môi trường. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện quy hoạch nông nghiệp, nông thôn gắn với việc bảo vệ môi trường, tăng cường hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm chăn nuôi sạch, chất lượng cao. 

LONG HIỀN

(0) Bình luận
Xã Cẩm Hoàng phát triển chăn nuôi bền vững