Theo một báo cáo mới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 5.5, số người chết liên quan đến COVID-19 có thể cao gần gấp 3 lần so với ghi nhận trong các số liệu chính thức.
Người dân tiêm vắc xin COVID-19 tại một điểm tiêm ở sân vận động Wembley, London, Anh, ngày 19.12.2021 - Ảnh: REUTERS
Các số liệu chính thức về số ca tử vong liên quan trực tiếp đến COVID-19 và được báo cáo với WHO trong giai đoạn từ tháng 1.2020 đến cuối tháng 12.2021 là hơn 5,4 triệu người. Tuy nhiên, theo WHO, có thể có đến 14,9 triệu người đã chết liên quan đến COVID-19 trong thời gian trên.
Con số tử vong WHO tính bao gồm những người chết trực tiếp do COVID-19 và cả những người chết do hậu quả gián tiếp của dịch bệnh. Chẳng hạn, những trường hợp tử vong vì bệnh khác do không tiếp cận được dịch vụ y tế vì các bệnh viện bị quá tải trong đại dịch cũng được ghi nhận.
Báo cáo của WHO cho biết cho đến nay, tại Ấn Độ, có gần nửa số ca tử vong do COVID-19 là chưa được ghi nhận. Báo cáo cũng cho rằng khoảng 4,7 triệu người ở Ấn Độ đã chết do hậu quả của đại dịch, chủ yếu trong đợt lây lan mạnh hồi tháng 5 và tháng 6.2021.
Tuy nhiên, số liệu chính thức chính quyền Ấn Độ công bố về số ca tử vong do COVID-19 trong giai đoạn từ tháng 1.2020 đến 12.2021 chỉ là 480.000 trường hợp. WHO và Ấn Độ đang đi tìm tiếng nói chung về sự khác biệt trong cách tính toán của đôi bên.
Để đi đến những con số trên, WHO đã thành lập một hội đồng gồm các chuyên gia quốc tế làm việc trong nhiều tháng. Họ sử dụng số liệu quốc gia và địa phương, các mô hình thống kê để đưa ra con số tổng trong trường hợp dữ liệu không đầy đủ. Ấn Độ không đồng tình với phương pháp này.
Tuy nhiên, các đánh giá độc lập khác cũng kết luận rằng số ca tử vong thực tế do COVID-19 ở Ấn Độ cao hơn nhiều so với số liệu chính thức do chính quyền công bố. Đơn cử là báo cáo đăng trên tạp chí Science cho rằng có khoảng 3 triệu người Ấn Độ có thể đã tử vong do COVID-19 ở Ấn Độ.
Bà Samira Asma, Trợ lý Tổng Giám đốc WHO về dữ liệu, phân tích và phân phối tác động, người đồng chủ trì quá trình tính toán trên cho biết dữ liệu chính là “huyết mạch của sức khỏe cộng đồng. Chúng ta cần phải đánh giá và rút kinh nghiệm từ những gì đã xảy ra trong đại dịch".
Bà kêu gọi các nước cải thiện báo cáo số liệu vì có quá nhiều điều “không rõ”.
Theo Tuổi trẻ