Các nhà khoa học phát hiện vương miện khoảng 6.000 năm tuổi, hình dạng giống chiếc nhẫn dày, trong một hang động ở sa mạc Judea vào năm 1961.
Vương miện lâu đời nhất thế giới thuộc kho cổ vật Nahal Mishmar
Vương miện thường tượng trưng cho quyền lực, sức mạnh và sự lãnh đạo. Có thể liên hệ vật dụng này với những cá nhân địa vị cao như người cai trị, thống lĩnh hay nhân vật tôn giáo. Đội vương miện là một biểu tượng hữu hình về địa vị và sức ảnh hưởng của nhân vật đó trong xã hội, hoặc là một phần trong các nghi thức, sự kiện quan trọng.
Vương miện lâu đời nhất thế giới là một trong số hơn 400 cổ vật được tìm thấy trong một hang động ở sa mạc Judea, Israel, gần Biển Chết, năm 1961, Ancient Origins hôm 25/6 đưa tin. Số cổ vật này gọi chung là kho cổ vật Nahal Mishmar.
Năm 2020, vương miện được giới thiệu công khai tại Viện Nghiên cứu Thế giới Cổ đại của Đại học New York trong một triển lãm. Nó tồn tại từ thời Đồ Đồng, khoảng năm 4.000 - 3.500 trước Công nguyên.
Vương miện có hình dạng giống một chiếc nhẫn dày với những hình chạm khắc chim kền kền và cánh cửa nhô lên. Các chuyên gia tin rằng cổ vật này đóng vai trò lớn trong nghi lễ chôn cất những người quan trọng thời kỳ đó.
Những thứ khác thuộc kho cổ vật Nahal Mishmar nhiều khả năng được dùng trong các nghi lễ liên quan đến săn bắn, chăn thả gia súc, nông nghiệp và bảo vệ. Trọng lượng và giá trị lớn của những cổ vật bằng đồng cho thấy sự quý giá của đồng trong xã hội xưa.
Kho cổ vật Nahal Mishmar Hoard do nhà khảo cổ Pessah Bar-Adon phát hiện. Chúng được giấu ở một khe nứt tự nhiên và bọc trong một tấm thảm sậy, đặt trong hang động phía bắc Nahal Mishmar. Có tổng cộng 442 cổ vật bao gồm 240 đầu chùy, 100 vương trượng, vương miện, sừng đựng thuốc súng, công cụ, vũ khí được làm từ đồng, ngà voi và đá.
Quá trình định tuổi bằng carbon-14 cho thấy tấm thảm sậy có niên đại ít nhất 3.500 năm trước Công nguyên. Trong thời kỳ này, việc sử dụng đồng trở nên phổ biến khắp Levant, chứng minh rằng sự phát triển về kỹ thuật cũng song hành với những tiến bộ xã hội lớn trong vùng.
Những thứ trong kho cổ vật Nahal Mishmar dường như được thu gom một cách vội vàng. Do đó, các chuyên gia cho rằng có thể chúng là kho báu linh thiêng thuộc về ngôi đền thời kỳ Đồng Đá bị bỏ hoang Ein Gedi, cách hang động khoảng 12 km. Nhiều khả năng chúng bị giấu vào hang trong tình huống khẩn cấp. Mục đích và nguồn gốc của kho cổ vật hiện vẫn còn là bí ẩn.
Theo VnExpress