Bà Hường từng mặc cảm, lo lắng cho con trai khi người yêu là con gái người đồng đội cũ của chồng đã nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Bà Hường đang nhặt rau nấu cơm thì 2 đứa cháu sinh đôi đi học về. Chúng dựng xe ngoài sân, ùa vào nhà ríu rít chào bà. Bà nhắc: "Đi từ từ thôi các cháu, kẻo lại vấp ngã". Nhìn 2 đứa cháu ngoan ngoãn, thông minh, lòng bà lại không khỏi áy náy. Bởi trước kia, chính bà là người cấm cản con trai và con dâu đến với nhau.
Ngày ấy, khi Cường - con trai bà dẫn người yêu về ra mắt, vợ chồng bà mừng lắm. Nhưng khi biết người con trai yêu là Vân, bà Hường đã tỏ thái độ không bằng lòng. Vì trước kia, ông Tùng - bố Vân từng chiến đấu ở chiến trường. Sau này khi giải ngũ, ông Tùng lập gia đình. Ngày ấy, không hiểu vì sao mà vợ chồng ông Tùng sinh được mấy người con ai cũng dị tật, đau ốm. Có người mất ngay khi ra đời. Có người chỉ sống được vài năm cũng không qua khỏi. Chỉ mãi về sau mới sinh được Vân lành lặn, khỏe mạnh. Sau này, khi nhà nước có chế độ, ông Tùng đi khám mới phát hiện bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Vì vậy, những người con đã mất của ông đều bị ảnh hưởng.
Điều khiến bà Hường lo lắng vì bà nghe phong thanh ở đâu đó rằng loại chất độc này nó di truyền, thế hệ này nó không phát ra nhưng có khi sang thế hệ sau nó lại có di chứng. Nhà bà thì lại có mỗi một anh con trai. Nhỡ đâu, Cường lấy Vân về mà các cháu bị di chứng. Vậy nên bà đã ra sức cấm cản, thậm chí còn lấy cái chết ra để ép buộc con trai phải chia tay người yêu. Cường thì thương Vân thật lòng nên vẫn muốn cha mẹ chấp thuận cho 2 đứa. Nếu chẳng may điều bà Hường lo lắng thành sự thật thì anh vẫn muốn che chở cho người con gái mình yêu. Trước sự cấm cản quyết liệt của mẹ, anh như bị dồn đến đường cùng không biết phải làm sao. Thương người yêu bên tình, bên hiếu đều khó xử, Vân đã nghĩ đến chuyện chia tay. Cô đã chọn giải phải đi đâu đó thật xa một thời gian để cả hai đứa nguôi ngoai.
Giữa lúc tình thế gia đình "nước sôi lửa bỏng" ấy thì ông Hải đã đứng lên làm chủ. Ông gọi vợ và các con đến, rồi nói với bà Hường:
- Lo lắng của bà không phải không có căn cứ. Người làm cha làm mẹ, ai chẳng muốn tốt cho con cháu mình. Nhưng tôi và bố cháu Vân đây từng là đồng đội chiến đấu chung một chiến trường. Ông Tùng không may mắc bệnh. Nhưng có chắc là tôi không mắc bệnh không, hay chỉ là nó chưa di chứng thôi? Chúng tôi vào sinh ra tử vì Tổ quốc, chẳng lẽ bà lại vì một chút ích kỷ cá nhân mà khiến cho vết thương chiến tranh của chúng tôi đã đau lại đau thêm sao?
- Bố con nói đúng đấy mẹ ạ! - anh Cường tiếp lời bố. Cũng vì con nghĩ giống bố nên con càng thương Vân hơn. Con không chỉ yêu con người của Vân mà còn muốn bù đắp về những mất mát mà gia đình cô ấy phải chịu bao năm qua - nói rồi anh trìu mến nắm tay người yêu.
Nghe chồng và con phân tích, bà Hường hiểu mình không thể vì sự ích kỷ cá nhân mà quên đi ơn nghĩa của những người đã cống hiến cho Tổ quốc. Dù trong lòng vẫn còn chút gợn nhưng bà cũng không còn phản đối các con đến với nhau. Vậy là hôm ấy họ đã bàn bạc về một đám cưới.
Bà Hường đang miên man suy nghĩ thì ông Hải cũng về đến nhà, hớn hở khoe:
- Bà chuẩn bị đồ đạc cho tôi dịp 30/4 này nhà mình có khách đấy.
- Khách nào mà ông vui vẻ vậy?
- Thì hội đồng ngũ chiến đấu của tôi. Năm nay, mấy anh em ở các tỉnh lân cận thống nhất là họp mặt ở Hải Dương để ôn lại kỷ niệm xưa. Các anh ấy định thuê nhà nghỉ rồi dự họp mặt luôn nhưng tôi đã đề nghị chia về mấy nhà đồng chí gần đây để hàn huyên vì chẳng mấy khi có dịp. Tôi tính nhà mình còn 1 phòng trống trên tầng 3, ta thu xếp cho 4-5 anh em nghỉ lại. Bà thấy thế nào?
- Vâng, ông tính thế là hợp lý đấy. Chẳng mấy khi có cơ hội anh em từng vào sinh ra tử gặp nhau thế này ông nhỉ?
- Ừ, mà nhà ông thông gia cũng đón các anh em về đấy bà ạ! Nhà bên ấy neo người, bà thông gia lại đang bệnh, tôi nghĩ có khi hôm ấy mình cho con Vân về để phụ giúp ông thông gia sửa soạn.
- Ông tính thế cũng phải. Để mai tôi nói với con.
Bà Hường nhìn chồng âu yếm nói. Trong lòng bà hạnh phúc ngập tràn.
NGỌC THANH