Nông dân Thanh Miện luôn tự hào địa phương là vựa lúa Bắc thơm số 7 của tỉnh. Trải qua hơn 20 năm nhưng giống lúa này vẫn giữ vai trò chủ lực trên đồng đất nơi đây.
Bắc thơm số 7 là giống lúa chủ lực của huyện Thanh Miện trong nhiều năm qua
Người dân Thanh Miện có truyền thống gieo cấy các loại lúa chất lượng cao. Trước đây, người dân chuộng giống Bao Thai lùn, tuy chất lượng gạo tốt song năng suất thấp nên hiệu quả kinh tế không cao. Khi giống lúa Bắc thơm số 7 xuất hiện vào những năm cuối của thế kỷ trước, khắc phục được những nhược điểm của giống cũ, lại thêm nhiều ưu thế nên nông dân đã lựa chọn giống này để gieo cấy ở cả 2 vụ.
Ông Nguyễn Ngọc Lương, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngũ Hùng cho biết mới đầu bà con cũng lo lắng vì sợ cây không hợp đất nhưng khi thấy dù cấy ở vụ xuân hay vụ mùa, Bắc thơm số 7 đều cho năng suất tốt, gạo nấu lên có mùi thơm đặc trưng thì ai cũng hài lòng. Theo thời gian, trình độ thâm canh giống lúa này của người dân càng cao, vì thế dù là lúa chất lượng song năng suất cũng khoảng 2 tạ/sào. Hiện tại đã có nhiều giống lúa tẻ mới vượt trội hơn nhưng độ ngon lại không thể sánh với Bắc thơm số 7. Vì thế không cần bao tiêu hay liên kết, thương lái cũng chủ động đặt hàng thu mua.
Gắn bó với giống lúa Bắc thơm số 7 từ những ngày đầu đến nay, ông Bùi Văn Dũng ở xã Chi Lăng Bắc chưa khi nào có ý định thay thế, chuyển sang gieo trồng giống khác. Mỗi vụ nhà ông Dũng cấy gần 1 mẫu Bắc thơm số 7, đến mùa gặt, thương lái tới tận đầu ruộng hỏi mua thóc tươi. "Ngoài điểm mạnh là dễ chăm sóc, ít sâu bệnh thì gieo cấy Bắc thơm số 7, nông dân ít phải lo về đầu ra, giá bán cũng cao hơn từ 2.000 - 3.000 đồng/kg so với các loại thóc khác. Hiếm có giống nào lại có thể cho hiệu quả ở cả 2 vụ như Bắc thơm số 7", ông Dũng nói.
Mỗi vụ huyện Thanh Miện gieo cấy khoảng 6.700ha, trong đó riêng giống Bắc thơm số 7 chiếm hơn 70% diện tích. Giống lúa này được gieo cấy ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện nhưng tập trung nhiều nhất ở các xã Ngô Quyền, Lam Sơn, Lê Hồng, Ngũ Hùng, Đoàn Kết... Người dân không canh tác lẻ tẻ mà đã quy vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn nên hiệu quả kinh tế cao hơn. Ở một số địa phương trong huyện đã thành lập các tổ, hội liên kết sản xuất Bắc thơm số 7 an toàn nên nông dân rất an tâm khi gieo cấy, không phải lo lắng nhiều về mùa vụ hay thị trường tiêu thụ.
Nhận thấy lúa Bắc thơm số 7 có nhiều tiềm năng phát triển, năm 2018 huyện Thanh Miện xây dựng nhãn hiệu độc quyền "Gạo Bắc thơm Thanh Miện" và đến năm 2019 đã được công nhận. Đây là sản phẩm lúa gạo thứ hai của tỉnh được bảo hộ nhãn hiệu sau đặc sản nếp cái hoa vàng Kinh Môn. Theo bà Phạm Thị Nhung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, có nhãn hiệu sẽ góp phần nâng cao vị thế, giá trị kinh tế của sản phẩm lúa gạo Bắc thơm số 7 tại địa phương, đồng thời bảo vệ thương hiệu và tăng sức cạnh tranh trước những sản phẩm cùng loại khác. Hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh thóc gạo Bắc thơm số 7 đang khai thác tương đối hiệu quả nhãn hiệu này.
Dù vẫn đang là giống lúa chủ lực cho hiệu quả kinh tế cao nhưng những thay đổi về điều kiện sản xuất, nhất là biến đổi khí hậu đã làm cho Bắc thơm số 7 bộc lộ hạn chế. Những năm gần đây, giống mẫn cảm với bệnh bạc lá trong vụ mùa, làm năng suất giảm đáng kể. Vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất cũng cần phải quan tâm cải tiến, khắc phục nhược điểm của giống cũ. Có như vậy Bắc thơm số7 mới phát triển lâu bền trên đồng ruộng Thanh Miện.
NGUYỄN MƠ