Theo tuần san "News and World Report" của Mỹ, Việt Nam đứng thứ 8 trong danh sách 29 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư và đứng đầu Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về hấp dẫn đầu tư nước ngoài.
* Chuyên gia Anh đánh giá cao sự hội nhập quốc tế và cơ hội của Việt Nam
Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử, thiết bị thắp sáng trong xe ô tô, xe máy tại Công ty TNHH Điện Việt Nam Stanley (vốn đầu tư của Nhật Bản) tại Hà Nội
Các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) góp mặt trong danh sách này là Malaysia (thứ 13), Singapore (thứ 14) và Indonesia (thứ 18). Uruguay đứng đầu danh sách, tiếp theo là Saudi Arabia, Luxembourg, Ấn Độ và Ba Lan.
Xếp hạng của "News and World Report" là kết quả của cuộc khảo sát lấy ý kiến từ 7.000 nhà hoạch định kinh doanh và dựa trên 8 tiêu chí: kinh tế ổn định, môi trường thuế thuận lợi, lực lượng lao động lành nghề, năng lực công nghệ, tinh thần doanh nghiệp, sự đổi mới, năng động và vấn đề tham nhũng.
Tuần san trên nhận định từ khi thực hiện công cuộc cải cách “Đổi Mới” năm 1986, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, phần lớn nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI).
Năm 2018, tổng cộng có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, trong đó Nhật Bản dẫn đầu với 8,59 tỷ USD, tiếp theo là Hàn Quốc (7,2 tỷ USD) và Singapore (5 tỷ USD).
Ngành sản xuất và chế biến thu hút được nhiều sự quan tâm nhất từ các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2018, 2 lĩnh vực này thu hút 16,58 tỷ USD vốn FDI, tiếp theo là lĩnh vực bất động sản (6,6 tỷ USD) và lĩnh vực bán lẻ (3,67 tỷ USD).
Tháng 9 vừa qua, Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) của Việt Nam cho biết tổng số 14,22 tỷ USD vốn FDI đã được giải ngân trong năm nay (tăng 7,3% so với năm 2018) và 2.759 dự án mới với tổng cam kết là 10,97 tỷ USD đã được phê duyệt.
Ông Sam Cheong Chwee Kin, Giám đốc điều hành và Giám đốc Đơn vị tư vấn FDI của Tập đoàn United Overseas (UOB), ca ngợi Việt Nam là một điểm sáng trong thu hút FDI ở ASEAN.
Ông đặc biệt chú ý đến những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc củng cố cơ sở hạ tầng tại các khu kinh tế và công nghiệp trọng điểm như Hải Phòng. Cuối những năm 1990 và 2000, Việt Nam bắt đầu thành lập các đặc khu kinh tế (SEZ) để thu hút sản xuất thâm dụng lao động, và 60-70% tổng số vốn FDI nằm trong các SEZ này.
Tuần san News and World Report đánh giá Việt Nam có chi phí cạnh tranh, lương thấp và cơ sở hạ tầng đang phát triển. Ông Koushan Das- chuyên gia giám sát các dự án ở Ấn Độ và ASEAN thuộc công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates, đánh giá: “Việt Nam có một trong những nước có chính sách thuế cạnh tranh nhất ở Đông Nam Á. Các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những nhà đầu tư tham gia sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao có thể tận dụng các ưu đãi thuế này như một lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ của họ trong những năm tới".
Mặc dù chi phí lao động tương đối thấp, Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển lao động lành nghề sẽ được xem là yếu tố chính để thu hút FDI, song song với đó là việc khuyến khích đổi mới và sử dụng công nghệ mới.
Dù năng suất lao động của Việt Nam đã được cải thiện trong thập kỷ qua, song nhìn chung vẫn còn thấp so với các nước ASEAN khác. Đây được cho là thách thức lớn nhất trong việc duy trì vị thế là một trung tâm đầu tư của khu vực.
* Nếu lựa chọn Việt Nam, các công ty quốc tế sẽ có rất nhiều cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực từ công nghệ đến cơ sở hạ tầng. Đây là nhận định của chuyên gia Anh trong bài viết đăng ngày 14.10 trên trang Asia Outlook.
Theo bài viết, Việt Nam trong năm 2018 đã trở thành một trong những “ngôi sao sáng” trong số các thị trường mới nổi, với tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 223,9 tỷ USD, tương đương 2.343 USD/người, tăng gấp 10 lần so với 25 năm trước. Ngân hàng Thế giới (WB) mô tả Việt Nam là một trong những quốc gia mới nổi năng động nhất khu vực Đông Á, quá trình chuyển từ nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường đã biến Việt Nam thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp phát triển thần tốc. Giờ đây, một môi trường kinh doanh minh bạch với tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm được dự báo ở mức 6,8% và các chính sách mở cửa tiến bộ đang mở ra một tương lai rất xán lạn đối với nền kinh tế Việt Nam.
Giám đốc Các vấn đề doanh nghiệp tại Asia House (Anh), ông Charlie Humphreys (Sác-li Hăm-phri), nhận định, nhận thức thị trường quốc tế ngày càng cao giúp cho người dân Việt Nam dễ dàng tham gia cá hoạt động kinh doanh. Ông cho rằng với sự sôi động và dân số đông, Việt Nam là điểm đến lý tưởng ở khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Thái Bình Dương. Ông Humphreys cho rằng các công ty có trụ sở ở Anh cũng như ở các nước phương Tây khác nên đầu tư vào Việt Nam, bởi Việt Nam đang có những bước phát triển, từ thay đổi chính sách đến đổi mới từ cơ sở. Theo ông, quá trình đô thị hóa và sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đã mang lại sự năng động cho nền kinh tế đất nước.
Cũng theo chuyên gia trên, Việt Nam và các quốc gia ASEAN khác đang trải qua những điều chỉnh kinh tế- xã hội quy mô lớn như cách các nền kinh tế chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU) chuyển đổi trong giai đoạn cách mạng công nghiệp. Ví dụ, trong lĩnh vực tài chính, Việt Nam đang “nhảy vọt” từ cơ sở hạ tầng ngân hàng truyền thống sang ngân hàng di động với hình thức thanh toán kỹ thuật số không dùng tiền mặt.
Ông Humphreys nói: “Bước đi tắt về công nghệ của Việt Nam cũng là câu chuyện chung của các nước ASEAN. Khu vực này đang đón nhận sự đầu tư rất lớn từ các công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới như Google, Amazon, Alibaba và Tencent”. Ông khẳng định công nghệ mới đóng vai trò “nhiên liệu” cho sự phát triển của nền kinh tế, tạo ra một chu kỳ thành công.
Theo ông, công nghệ không phải là lĩnh vực duy nhất thu hút vốn FDI đáng kể. Lĩnh vực cơ sở hạ tầng là một thị trường sinh lợi tương tự. Ước tính, cần 25 tỷ USD/năm để đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng bền vững của Việt Nam. Chuyên gia tại Asia House nhận định: “Việt Nam là một quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi và chắc chắn đang là quốc gia đi đầu trong ASEAN”.
Quyết tâm hội nhập của Việt Nam thể hiện ở việc ký kết các FTA quan trọng như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN và Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản.
Theo quan điểm của ông Humphreys, việc tập trung vào chủ nghĩa quốc tế và mở cửa kinh tế với Anh, EU hay các nước khác là không thể thiếu cho sự phát triển và thành công của nền kinh tế Việt Nam. Ông nói: “Việc hình thành và duy trì các thỏa thuận này sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững trong dài hạn. Sẽ rất thú vị khi theo dõi cách Việt Nam cố gắng tận dụng tốt nhất các cam kết ưu tiên của mình để thực sự nội địa hóa nền kinh tế và thu hút đầu tư nhiều hơn nữa. Đất nước này có tiềm năng rất lớn để thu hút được nhiều thành phần hơn nữa tham gia vào nền kinh tế bằng cách kết hợp công nghệ và tăng trưởng nhờ cơ sở hạ tầng, và chắc chắn các doanh nghiệp quốc tế sẽ có cơ hội trở thành trung tâm của quá trình đó”.
Asia House là tổ chức có trụ sở tại London (Anh), chuyên nghiên cứu về thương mại, đầu tư và chính sách công, giúp giới thiệu triển vọng đầu tư ở các nước như Việt Nam cho các doanh nghiệp phương Tây. Asia House gần đây đã ký một biên bản ghi nhớ với Bộ Ngoại giao Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa các tỉnh, thành của Việt Nam và các bên liên quan của Anh.
Theo TTXVN