Bản đề cương tiểu thuyết "Cửa biển" của nhà văn Nguyên Hồng là một tấm giấy rộng bằng chiếc chiếu đôi, được can dán lại từ nhiều mảnh giấy nhỏ.
Bản đề cương tiểu thuyết "Cửa biển" của nhà văn Nguyên Hồng là một tấm giấy rộng bằng chiếc chiếu đôi, được can dán lại từ nhiều mảnh giấy nhỏ. Trên tấm giấy ấy là sơ đồ, các tuyến phát triển của cốt truyện, nhân vật như một cái cây cổ thụ xum xuê. Nó tựa như một bản gia phả của một dòng họ lớn, đông đúc đến cả chục đời. Nhà văn Nguyên Hồng luôn mang theo đề cương trong cặp. Và có lẽ do ông mở ra gói vào, dập xóa nhiều lần mà tấm đề cương đã sờn rách và nhiều chỗ lờ mờ.
Hai tháng làm đề cương, nhà văn Nguyên Hồng đã đọc rà lại một lượt các tác phẩm có thể phục vụ cho chủ đề "Cửa biển" và suy nghĩ về ngôn ngữ của các nhân vật. Sự nghiêm khắc với bản thân là điều cần đặt lên hàng đầu. Về ngôn ngữ không cần bắt chước, nhại theo mà phải nắm được cái tinh thần, cái hồn của tiếng nói nhân vật. Nhân vật là cốt lõi, là quyết định của tiểu thuyết. Chủ đề được toát ra từ hành động của nhân vật. Đám nhân vật ấy đan nhau làm thành cái nền mà trên đó đứng vững ý kiến phát biểu của tác giả, tức là tư tưởng của tác phẩm.
Những chi tiết là để phục vụ cho nhân vật rõ thêm, nổi thêm như da thịt trên cơ thể con người. Những mối quan hệ với nhân vật, giữa các nhân vật, người viết cũng phải xây dựng xoay quanh họ, tạo nên một môi trường điển hình để nhân vật phát lộ được hết tầm. Và cuối cùng là đọc lại bản thảo với hàng trăm trang để duyệt lại đội quân của mình cho đến khi thật tề chỉnh, không còn thiếu sót gì nữa mới được mang đến nhà xuất bản.
LÊ HỒNG BẢO UYÊN(st)